Jean-Pierre (tên nhân vật đã được thay đổi) địu trước ngực cậu con trai nhỏ đang ốm nặng. Đứa trẻ nằm nép vào ngực bố, ho không ngừng và khó nhọc thở từng hơi. Tuy nhiên, thay vì đưa đứa trẻ tới bệnh viện, Jean-Pierre chỉ còn cách duy nhất là tiếp tục bước về phía trước.
Giữa một khu rừng ở Colombia, người bố khốn khổ đã chẳng còn đường lui. Theo đuổi giấc mơ Mỹ, gia đình anh đã vét sạch tài sản, vay thêm họ hàng để trả tiền cho những kẻ dẫn mối. Giờ đây, anh chỉ còn trông mong vào số phận để cậu con trai có thể vượt qua được cửa tử….
Nhiều thập niên trôi qua, giấc mơ Mỹ vẫn luôn là thứ gì đó hấp dẫn đông đảo người di cư trên khắp thế giới. Thế nhưng, chạm tay vào giấc mơ thường đi kèm với những cái giá rất đắt. Đối với những người di cư tới từ Nam Mỹ, họ phải băng qua cung đường được mệnh danh là nguy hiểm bậc nhất hành tinh.
Và nó có tên Darién Gap - một dải rừng nhiệt đới, nối liền Nam và Trung Mỹ. Câu chuyện bắt đầu với cuộc di cư kéo dài 5 ngày, khởi hành từ một thị trấn ven biển Colombia, đi qua cộng đồng dân cư, leo lên một ngọn núi dốc, băng qua những con sông và rừng mưa rậm rạp, bùn lầy trước khi đến với trại tị nạn do chính phủ điều hành ở Panama.
Theo thống kê, do những biến động kinh tế và các vấn đề xã hội, vào năm 2022, gần 250.000 người đã vượt biển - gần gấp đôi so với năm 2021 và gấp 20 lần mức trung bình hàng năm vào thời kỳ 2010-2020.
Dữ liệu những tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy số người vượt biên đã tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái - 87.390 người so với 13.791 người. Đây là con số cao kỷ lục.
Khi hành trình chưa bắt đầu, bầu không khí háo hức bao trùm các lều trại bên bờ sông Acandí Seco, Colombia - nơi những người di cư tập trung chờ khởi hành vào ngày hôm sau. Khu vực này do các băng đảng ma túy kiểm soát và họ đều đã trả phí để được phép đi qua.
Người dẫn đường của bọn họ nói rằng những ngày sắp tới là một hành trình chẳng mấy vất vả. Họ không cần đi bộ nhiều và hành lý mang theo cũng “nhẹ nhàng” thôi. Chính những lời nói này đã khiến đám đông không lường hết những khó khăn, gian khổ thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng của con đường phía trước.
Và thực tế phũ phàng đã sớm được cảm nhận. Hành trình này được mô tả là chuyến đi tử thần, nơi chỉ có tiền mới có thể quyết định ai là người “sống sót”. Những người di cư phải phải trả tới 400 USD chỉ để có được chiếc dây đeo cổ tay màu hồng (giấy thông hành vượt rừng do băng đảng kiểm soát cấp) với mong muốn mở cửa tiến vào những giấc mơ. Mỗi năm, những băng đảng đã thu được hàng chục triệu USD từ những chiếc dây hồng đó.
Tuy nhiên, sự thịnh vượng của những kẻ tội phạm là điều mà giới chức Mỹ và các quốc gia trong khu vực cảm thấy lo sợ. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phải thốt lên rằng: “Với số tiền khổng lồ kiếm được. Đây rõ ràng là một doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, chúng chẳng bao giờ mảy may nghĩ tới sự an toàn, niềm vui hay hạnh phúc của khách hàng. Thứ duy nhất chúng quan tâm là tiền”.
Trở lại với hành trình đi tìm miền đất hứa, thời tiết những ngày đầu năm 2023 chẳng hề thuận lợi. Dòng sông cạn nước khiến người di cư buộc phải đi bộ thay vì có thể dùng thuyền. Đá trơn, đường dốc cùng những chiếc ủng, đôi tất rẻ tiền khiến đoàn người phải vất vả bám trụ từng mét.
Và với những người như ông bố Jean-Pierre, hành trình đó trở nên gian khó và đau khổ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thiên nhiên không phải kẻ làm khó duy nhất. Thay vào đó, dù đã thu 400 USD của từng người, những băng đảng còn làm đủ kiểu để thu tiền.
Giống phục vụ du khách, những băng đảng cung cấp dịch vụ 20 USD cho việc vận đưa 1 chiếc túi lên dốc hay 100 USD để bế giùm một đứa trẻ. Chai nước ở đây có giá lên tới 5 USD dù chúng có thể được múc từ con suối phía dưới dốc.
Điều trớ trêu là trên hành trình đi tìm giấc mơ Mỹ đó, ngày càng có nhiều trẻ em. Những đứa trẻ may mắn có bố mẹ hoặc người thân dắt tay, bế ẵm. Tuy nhiên, không khó để thấy những đứa trẻ bơ vơ, tự lực cánh sinh trong hành trình đẩy hiểm nguy này.
Theo thống kê từ UNICEF, số lượng trẻ em di cư ngày càng tăng. Cuối năm 2022, một nửa các em được cho là dưới 5 tuổi và có khoảng 900 em ở đủ độ tuổi khác nhau không có người thân bên cạnh.
Còn trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, Panama đã ghi nhận gần 9.700 trẻ vị thành niên di cư, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Vào tháng 3/2023, con số này đã lên tới 7.200 trẻ.
Trái ngược với không khí hào hứng buổi sáng, bầu không khí ngột ngạt và sự chán nản bao trùm khắp trại dừng chân sau một ngày vượt rừng. Đến lúc này, hiện thực đang bắt đầu lấn át giấc mơ.
Khi ngày thứ 2 bắt đầu, “nước, cơm nóng và cà phê” được phục vụ tại điểm dừng chân. Tuy nhiên, chẳng ai biết rằng đây là lần cuối cùng họ được phục vụ như một du khách. Họ bắt đầu một hành trình mới và quy mô nhóm thì tăng lên. Đồng nghĩa, sự chen lấn sẽ lại tiếp diễn bởi lẽ chẳng ai muốn bản thân sẽ là người cuối cùng phải “vượt chướng ngại vật”.
Giữa đoàn người, sức khỏe của cậu bé ốm nặng có tên Louvens ngày càng tệ hơn. Hành trình leo núi khó khăn cũng đã khiến người cha cạn kiệt sức lực. Họ đã chẳng thể di chuyển nhanh hơn được nữa.
Nhưng sau tất cả vất vả, mệt mỏi cùng những vết rộp ở bàn chân, cuối cùng họ cũng lên đến đỉnh đồi - cũng là thời điểm chia tay với người dẫn đường và tự lực đến với Panama. Và bây giờ, hành trình khốc liệt hơn mới thực sự bắt đầu.
“Hãy cố gắng giúp đỡ người khác vì chẳng biết lúc nào sẽ tới lượt bạn”. Đi rừng đã khó, vượt rừng để theo đuổi “giấc mơ” còn khó hơn. Nhưng chẳng còn đường lui nào nữa.
Với Natalia là như vậy. Cô phải “vượt rừng” cùng cô con gái Anna 12 tuổi của mình. Chẳng ai thấu được cảm giác người mẹ bất lực, đau đớn khi đứa con khuyết tật lên cơn sốt mãi không hạ giữa rừng rậm.
Nhưng một người di cư từ Haiti đã cõng Anna để hỗ trợ hai mẹ con dù bản thân cũng nhanh chóng không còn chút sức lực. Vào cuối ngày, sức khỏe của cậu bé Louvens cũng đã có nhiều khởi sắc.
- Sang ngày thứ 3, đoàn người di cư thấm mệt khiến con đường càng như dài thêm. Tất cả đều tưởng hành trình gói gọn chỉ trong hai ngày. Nào ngờ, nay đã là ngày thứ ba mà họ mới đi chưa được một nửa chặng đường.
Lần này, con đường quanh co, hiểm trở và nhiều khe hẹp khiến hàng dài người bị tắc và phải đứng chờ. Một tiếng, họ chỉ di chuyển được 100m. Nhiều người đàn ông mất kiên nhẫn mà chửi thề.
Tuy nhiên, những lúc khó khăn cận kề, đoàn người di cư xa lạ lại dành cho nhau sự quan tâm bất ngờ. Các thanh niên người Haiti nối thành hàng giúp mọi người lội qua sông sâu mà không vấp ngã.
Nhưng lòng tốt của người lạ chưa đủ để xoa dịu được nỗi đau thể xác và làm vơi đi nỗi bất an về ngày mai. Sức cùng lực kiệt, họ lê từng bước chân nặng nề. Sau khi sang được bờ bên kia, đoàn người dừng lại cắm trại bên bờ sông trong bóng hoàng hôn dần buông.
Sáng hôm sau, đoàn người di chuyển từ điểm cắm trại tạm thời về Tres Bocas. Đây là khu vực hợp lưu của các con sông, cũng là nơi hai tuyến đường di cư cũ và mới giao nhau. Người dân địa phương cho biết các băng đảng đã đấu đá nội bộ, dẫn đến chia rẽ và hình thành nên con đường mới. Nhưng chưa ai kiểm chứng được tuyến đường mới này có an toàn hay nhanh hơn hay không.
Trong khi đó, Darién Gap khét tiếng là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Ngoài những mối đe dọa về tự nhiên, người đi qua đây còn phải đối mặt với đủ mọi loại tội phạm nguy hiểm. Thậm chí, một số người đã phải bỏ mạng giữa đường.
Đến đêm, những câu chuyện về bạo lực và cướp bóc lại râm ran trong các căn lều. Họ dựng lều gần nhau hơn khiến không khí càng thêm ngột ngạt.
Trên đoạn đường cuối cùng, những người di cư dành nhiều sự hy sinh cho nhau hơn. Khi nghĩ đến vạch đích trước mắt, không ai muốn bỏ người khác lại phía sau.
Trên đường đi từ Tres Bocas đến bến thuyền, một chàng trai ngoài 20 tên Daniel đã bị chấn thương mắt cá chân. Mọi người xung quanh xúm lấy giúp đỡ, người tìm thức ăn, người tìm thuốc. Bốn người đàn ông khác tuy không hề quen Daniel, cũng sẵn sàng lấy cành cây làm cáng để khiêng anh đi, vừa đi vừa đùa.
Không chỉ có Daniel được giúp đỡ, khi một người phụ nữ có thai 5 tháng run rẩy vì đói khát, mọi người xung quanh cũng sẵn sàng chia sẻ đồ ăn, nước uống cho cô. Cô bé khuyết tật Anna giờ đã được một người đàn ông 27 tuổi tên Ener Sanchez cõng trên lưng.
Cuối cùng, những con thuyền cũng hiện ra trước mắt họ. Nhưng thử thách vẫn chưa kết thúc. Mỗi người phải trả 20 USD để lên chiếc thuyền gỗ gọi là “piraguas” và mỗi thuyền như vậy thu về khoảng 300 USD.
Một chiếc trực thăng cứu hộ xuất hiện trên đầu họ, là dấu hiệu đầu tiên của chính phủ Panama. Xếp hàng chờ lên máy bay, bà mẹ một con Carolina cảm thấy nhẹ nhõm nhưng không giấu nổi mệt mỏi.
“Khu rừng này là địa ngục, là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi… Tôi hối hận vì để con trai tham gia vào chuyến đi này”, Carolina vừa nói vừa thất thần nhìn về phía dòng sông.
Sau một tiếng chật vật xuôi dòng sông cạn gần trơ đáy, đoàn người cuối cùng cũng đến trạm nhập cư Bajo Chiquito ở Panama. Tại đây, họ được sơ cứu, được cung cấp thức ăn và được giải quyết thủ tục giấy tờ. Song, thời gian chờ đợi cũng phải mất nhiều tiếng mới có thể tiếp tục di chuyển sang trung tâm tiếp nhận người di cư.
Chính quyền Panama có hai trung tâm khác nhau. Một là cơ sở San Vicente với phòng ốc mới và hệ thống nước sạch. Trung tâm còn lại là Lajas Blancas với điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, kéo dài thêm nỗi khổ ải của người di cư.
Nhiều người di cư suy sụp vì tưởng rằng họ đấu tranh sinh tồn thoát khỏi khu rừng là để đến một nơi tốt hơn. Nhưng thực tế thì họ tiếp tục bị mắc kẹt và chỉ biết chờ đợi. Số tiền trong túi họ thì cạn dần mà giấc mơ Mỹ thì mãi chưa chạm tới.
Tham khảo: CNN