Có vẻ như Apple đã từng cố hợp tác cùng Android, ít nhất là với Apple Watch. Ảnh: Bloomberg.
Ngày 21/3, Bộ Tư pháp Mỹ nộp đơn kiện Apple, cáo buộc Táo khuyết vi phạm luật chống độc quyền nhằm "giữ chân" người dùng ở lại iPhone, hạn chế khả năng chuyển sang thiết bị của đối thủ.
Điều không ai ngờ tới là để đáp lại vụ kiện, Apple tiết lộ trước đây họ đã dành 3 năm chỉ để nghiên cứu cách làm Apple Watch tương thích với smartphone Android. Song, nỗ lực này đã thất bại.
Mặc dù nổi tiếng với một hệ sinh thái đóng, nơi các thiết bị chỉ hoạt động tốt nhất sản phẩm cùng nhà, có vẻ như Apple từng cố hợp tác cùng Android, ít nhất là với Apple Watch.
Tháng 11/2023, cây bút Mark Gurman của Bloomberg từng tiết lộ Apple đang phát triển một chiếc Apple Watch tương thích với hàng tỷ thiết bị Android lưu hành trên thị trường.
Có tên mã là Project Fennel, kế hoạch này sẽ mang các tính năng và sản phẩm sức khỏe của riêng Apple đến với nhiều người dùng hơn, đặc biệt là ở những quốc gia mà tập đoàn có ít thị phần.
Nhưng đến tận vừa qua, Táo khuyết mới lần đầu tiên lên tiếng xác nhận. Theo 9to5Mac, Apple khẳng định họ đã mất 3 năm để cố gắng làm cho Apple Watch hoạt động trên Android. Nhưng cuối cùng, nhà sản xuất iPhone đành hủy bỏ dự án do “những hạn chế về mặt kỹ thuật”.
Đây là đòn phản pháo của Apple khi đơn kiện từ chính phủ Mỹ cáo buộc hãng gây khó khăn trong kết nối iPhone với đồng hồ thông minh không phải Apple Watch. Nếu người dùng mua Apple Watch, sẽ rất khó để họ từ bỏ iPhone.
“Đồng hồ thông minh của Apple - Apple Watch - chỉ tương thích với iPhone. Vì vậy, nếu Apple muốn người dùng mua Apple Watch, việc mua một dòng smartphone khác sẽ tốn kém hơn.
Làm như vậy buộc người dùng phải từ bỏ chiếc Apple Watch đắt tiền của họ và mua một chiếc đồng hồ thông minh mới, tương thích với Android”, trích một phần đơn kiện, được nộp lên Tòa án tại Quận New Jersey.
Vụ kiện không chỉ dừng lại ở cáo buộc Apple Watch hạn chế tương thích với thiết bị Android, mà còn tố Apple tạo ra rào cản khiến người dùng khó sử dụng sản phẩm và dịch vụ của các thương hiệu khác.
Cách làm của hãng bao gồm chặn các “siêu ứng dụng” đơn giản hóa việc chuyển đổi dữ liệu từ iPhone, ngăn cản các ứng dụng trò chơi đám mây, cố tình làm cho việc nhắn tin giữa iPhone và máy Android ít chức năng hơn, đồng thời ngăn các nhà phát triển bên thứ 3 tạo ví điện tử, cạnh tranh với Apple Pay.
Bằng cách kiểm soát chặt chẽ trải nghiệm người dùng trên iPhone và thiết bị khác, Apple tạo ra "sân chơi không bình đẳng" theo cách gọi của giới phân tích. Tại đây, sản phẩm và dịch vụ của công ty được truy cập nhiều tính năng cốt lõi, điều mà đối thủ không thể tận dụng.
Đơn kiện yêu cầu tòa án cấm Apple tham gia các hành động như chặn app stream game, phá hoại tính năng nhắn tin trên các hệ điều hành của smartphone và chặn ví điện tử thay thế. Vụ kiện cũng yêu cầu Táo khuyết nộp tiền phạt với con số chưa xác định.
Apple đã bác bỏ tất cả tuyên bố này, nói rằng vụ kiện là “sai về thực tế và cả luật pháp”.
Theo Android Authority, người tiêu dùng sẽ nhận được lợi ích rất lớn nếu tất cả thiết bị, bất kể thương hiệu, có thể hoạt động trơn tru cùng với nhau.
Tuy nhiên, sức mạnh của Apple là một hệ sinh thái đóng, được kết nối chặt chẽ.
Sự tích hợp liền mạch giữa iPhone, iPad và Apple Watch là một trong những lợi thế bán hàng độc nhất (USP - Unique Selling Point) của hãng. Điều đáng nói là ngay cả Galaxy Watch của Samsung cũng cung cấp một số tính năng chỉ hoạt động với điện thoại Samsung.
Vì vậy, việc buộc Apple mở cửa hệ sinh thái của mình có thể sẽ có lợi cho khả năng tương thích rộng rãi, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của công ty, trang tin nhận định.