Nội dung chính:
- Một số lô đất tại xã Vĩnh Ngọc đang giảm từ 150 triệu đồng xuống còn 120 triệu đồng/m2.
- Không riêng Vĩnh Ngọc, các khu vực có bất động sản tăng nóng giai đoạn trước đều đang giảm giá từ 10-20%.
Anh Công Kiên đang rao bán mảnh đất rộng 61,5 m2 tại khu đất giãn dân thuộc xã Vĩnh Ngọc với giá 62 triệu đồng/m2. Lô đất có mặt tiền 4m, đường phía trước rộng 3m. Theo chủ đất, cách đây một năm, lô đất này từng được hỏi mua với giá 67 triệu đồng/m2 nhưng anh không bán. Đến nay cần tiền, vợ chồng anh chấp nhận bán giá thấp và rao bán, đăng tin quảng cáo liên tục trên các diễn đàn nhưng vẫn không có khách hỏi mua.
Câu chuyện của anh Kiên diễn ra trước thời điểm huyện Đông Anh được quy hoạch lên quận. UBND thành phố Hà Nội dự kiến tháng 7 năm nay sẽ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đưa huyện này trở thành một quận của Thủ đô. Việc lên quận được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường địa ốc Đông Anh nhưng thực tế cho thấy thông tin này không giúp bất động sản nơi này “ấm lên”.
Nhiều lô đất giảm giá 20%
Xã Vĩnh Ngọc là khu vực có mặt bằng giá đất cao nhất tại Đông Anh, ngang ngửa một số khu vực nội thành Hà Nội. Trong giai đoạn bất động sản tăng nóng hồi 2019-2021, một số lô đất tại đây được giao dịch với giá 180-200 triệu đồng/m2. Tuy nhiên hiện nay, giá đất khu vực này đang có xu hướng đi ngang, một số khu vực giảm giá 20%.
Một lô đất 46 m2 tại thôn Ngọc Chi (xã Vĩnh Ngọc) đang được chào bán với giá 2,4 tỷ đồng, thấp hơn mức 2,7 tỷ đồng chủ đất từng rao bán cách đây 6 tháng. Dù giảm giá nhưng nhiều tháng nay, mảnh đất được xem là sở hữu vị trí đắc địa này vẫn chưa có giao dịch.
Cạnh đó, một ngôi nhà 4 tầng diện tích đất 60 m2, mặt đường phía trước rộng 6m đang được chào bán với giá 7,2 tỷ đồng, tương đương 120 triệu đồng/m2. Theo nhân viên môi giới, giai đoạn 2020-2021, những lô đất này có giá khoảng 140-160 triệu đồng/m2. Tức hiện tại, các lô đất tại đây giảm khoảng 20% giá trị.
Không chỉ Vĩnh Ngọc, những khu vực có bất động sản từng tăng nóng giai đoạn 2019-2021 cũng đang chứng kiến đà giảm giá sâu, khoảng 20% giá trị. Tại các xã Uy Nỗ, Nguyên Khê, Hải Bồi, Việt Hùng, giá những lô đất trong ngõ đã giảm khoảng 20%, còn khoảng 39-58 triệu/m2.
Một số khu vực xa trung tâm hơn như xã Thụy Lâm - khu vực có mặt bằng giá thấp nhất tại Đông Anh, giá đang biến động theo hướng giảm nhẹ 5-10%.
Ngược lại, ở những khu vực có nền giá ổn định như thị trấn Đông Anh, giá đất ít biến động hơn. Những lô đất tại các tuyến đường lớn đang được định giá khoảng 70-120 triệu đồng/m2, đất trong các con ngõ ô tô vào được có giá khoảng 40-70 triệu đồng/m2.
Đất giảm giá vẫn vắng người mua
Phần lớn các chủ đất đang rao bán bất động sản tại Đông Anh đều cho rằng dù chấp nhận giảm giá và rao bán liên tục nhiều tháng nay nhưng không thể bán được đất.
Lý giải nguyên nhân vì sao đất Đông Anh giảm giá, không có giao dịch dù huyện này chuẩn bị lên quận, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chỉ ra 3 lý do.
Thứ nhất, thông tin lên quận đã có từ nhiều năm trước và đã phản ánh vào giá bất động sản từ những năm 2018-2021.
Thứ hai, thị trường địa ốc Đông Anh vốn đã tăng nóng trong những năm trước khi có thông tin quy hoạch một loạt dự án lớn như Dự án Thành phố Thông minh; dự án công viên Kim Quy; Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia… Giá đất tại huyện này đã vượt xa khỏi giá trị thực tế, do vậy đến nay, khi thị trường diễn biến xấu, nhà đầu tư không thể chấp nhận mức giá cũ và việc giảm giá thực chất là cách đưa bất động sản về giá trị thực.
Thứ ba, theo ông Đính, diễn biến giá bất động sản của Đông Anh hay Gia Lâm, Sóc Sơn… cũng không thể nằm ngoài quy luật chung của thị trường. Việc bất động sản suy giảm từ Bắc và Nam đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, giá đi ngang hay giảm sâu ở một thị trường không phải là điều khó hiểu. Trước thềm lên quận, dù giá đất giảm nhiệt nhưng hàng loạt văn phòng môi giới bất động sản rơi vào cảnh đìu hiu, không có hoạt động tư vấn, mua bán, khác xa với cảnh nhộn nhịp vào thời điểm “sốt nóng”.