Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Chính phủ hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, trong đó có nội dung về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm sẽ nhận lương hưu.
Nghỉ hưu trước tuổi vẫn phải đóng tối thiểu 20 năm
Theo đó, dự thảo Luật quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động.
Hiện Bộ luật Lao động quy định, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với lao động nam; 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm cách tính tỷ lệ lương hưu với lao động nam đóng từ 15 năm tới dưới 20 năm. Theo đó, trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
Đối với vấn đề nghỉ hưu trước tuổi, người lao động được nghỉ hưởng lương hưu trước tối đa 5 hoặc 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung, căn cứ theo điều kiện làm việc, suy giảm khả năng lao động (mất sức lao động) sẽ bị trừ 2% lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước tuổi, song họ vẫn phải đóng tối thiểu 20 năm bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, người lao động được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định chung khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%...
Người lao động có thể nghỉ hưu trước 10 tuổi nếu có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên…
Tuy nhiên, trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi có thời gian lẻ dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, thời gian lẻ từ 6 tháng trở lên thì tính mức giảm là 1%.
Giảm năm đóng để mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ hưu trí
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với việc giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng, bảo đảm số năm tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ, mà còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu.
Quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng trong trung và dài hạn, tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, cải thiện tính công bằng.
Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28.
Theo Ủy ban Xã hội, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm và mức hưởng tiền lương tối thiểu (mức sàn) đối với đối tượng này chỉ còn 33,75% so với mức lương đóng bảo hiểm xã hội, nếu đóng bảo hiểm xã hội 20 năm sẽ là 45% như hiện hành; đối với nữ là 15 năm và mức hưởng 45% như hiện hành.
Điều này phù hợp Tờ trình và Hồ sơ dự án Luật khi giới hạn phạm vi sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên công thức tính lương hưu.
Ủy ban Xã hội đánh giá, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động người có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
Cho dù trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ, song với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng.
Trong thời gian hưởng lương hưu, họ cũng được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, khi mất có chế độ tiền tuất, thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động và nhiều người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách này.
Mặc dù đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội tán thành với giảm năm đóng, song do còn ý kiến khác nhau, nên Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về khía cạnh chia sẻ của bảo hiểm xã hội, khía cạnh kinh tế của vấn đề, hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi Luật lần này.
Cũng cần làm rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách xã, thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo, thì khi đó điều chỉnh để cao hơn không, dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả.
Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn và giải thích đầy đủ, thấu đáo để người lao động, dư luận xã hội hiểu rõ và đồng thuận.