Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa được quy hoạch thành sân bay quốc nội khai thác lưỡng dụng, công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu hành khách/năm.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc sớm đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác hàng không dân dụng là hết sức cần thiết, tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tỉnh Đồng Nai mong muốn sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết sân bay Biên Hòa, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với lộ trình đưa vào khai thác hàng không dân dụng sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 2023 - 2025.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cũng cho biết, dự án sân bay Biên Hòa khi đưa vào khai thác lưỡng dụng giai đoạn 2021 - 2030 sẽ đạt công suất phục vụ 5 triệu hk/năm. Để đáp ứng công suất này, Sở Giao thông vận tải tỉnh đã nghiên cứu các hướng kết nối đường giao thông đến sân bay Biên Hòa, đề xuất cập nhật vào quy hoạch của tỉnh Đồng Nai.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp các tuyến đường gồm đường Nguyễn Du đoạn từ ngã tư đường Nguyễn Ái Quốc, từ 4 làn hiện hữu lên 6 - 8 làn xe, lộ giới dự kiến từ 48 – 60 m; đây được quy hoạch thành tuyến kết nối chính đến sân bay Biên Hòa. Kéo dài đường tỉnh 768B kết nối đến cầu Thạnh Hội 2; đây là cầu bắc qua sông Đồng Nai nối phường Thạnh Phước và xã Thạnh Hội thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Bổ sung quy hoạch tuyến đường tỉnh 760C trên cơ sở nâng cấp các tuyến Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu (TP. Biên Hòa) đi qua khu du lịch Bửu Long nối ra cầu Xóm Lá, quy mô 6 làn xe.
Cũng theo Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, hai tuyến khác cũng sẽ được bổ sung, đầu tư mở rộng thành tuyến kết nối vào sân bay. Đó là tuyến đường tỉnh 768 đoạn cuối đường Nguyễn Du đến cầu Tân Triều, tức hương lộ 7, thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu; đồng thời kéo dài mở rộng thêm tuyến đường từ vị trí giao với hương lộ 7 đến đường vành đai TP. Biên Hòa gần cầu Bạch Đằng, quy mô 6 làn xe nhằm tăng cường kết nối sân bay với tỉnh Bình Dương.
Cũng tương tự như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa nằm trong nội thành TP. Biên Hòa, nên khả năng ùn tắc giao thông các tuyến để vào sân bay là khả năng sẽ xảy ra. Hiện tại, tuyến đường chính kết nối đến sân bay chủ yếu từ đường Nguyễn Ái Quốc rẽ vào cổng 2, thuộc phường Tân Phong, TP. Biên Hòa.
Vì vậy, việc sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối vào sân bay Biên Hòa là cần thiết và cấp bách. Việc sớm đưa sân bay lưỡng dụng này vào khai thác thương mại là hết sức cần thiết, tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Sân bay quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, thuộc địa phận TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM khoảng 30 km. Trước đây, sân bay nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời và được giao cho Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn 370, Bộ Quốc phòng quản lý sử dụng. Hiện nay, sân bay Biên Hòa có nhiều khu vực đất bị nhiễm dioxin và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp với phía Mỹ để xử lý.
Sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động. Sân bay Biên Hòa cũng đã có sẵn hai đường băng dài 3,6 km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay,…