Trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình trạng việc làm của người lao động bị ảnh hưởng như bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng và mất việc kéo theo bị giảm thu nhập.
Vì thế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giải quyết kịp thời chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Hơn 33.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp
Qua thống kê tình hình tham gia đóng bảo hiểm xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có khoảng 190 doanh nghiệp và 39.000 lao động bị ảnh hưởng, nhất là trong các ngành: chế biến, chế tạo, dệt may, da giày...
Trước tình hình đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai, thực hiện các chế độ chính sách cho người dân, người lao động.
Ngày 19/1/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 122/QĐ-UBND hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 3/2023 nhưng không đủ điều hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Tính đến ngày 15/5/2023, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố đã thực hiện chi hỗ trợ đạt 100% đối với 9.764 lao động với tổng số tiền hỗ trợ 14,646 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh triển khai, thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giải quyết kịp thời chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận và ban hành 33.304 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tổng số tiền trên 1.050,975 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng gặp một số khó khăn trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp như: Một số nội dung tại các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp còn chưa phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện tại địa phương.
Chưa có một công cụ quản lý, theo dõi tối ưu về việc có việc làm của người lao động dẫn đến việc thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp vẫn còn tồn tại.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đề nghị Cục Việc làm kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để đảm bảo chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện xuyên suốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, cũng như các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc giải quyết chính sách cho người lao động một cách thống nhất.
Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động
Trước thực trạng còn doanh nghiệp không thực hiện đúng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm cũng đề nghị tăng cường công tác thanh - kiểm tra, xử phạt nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Đồng thời, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các bên liên quan có sai phạm trong thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, những doanh nghiệp, nợ đọng và trốn tránh trách nhiệm bảo hiểm xã hội, qua đó, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh các giải pháp để thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, công tác giải quyết việc làm, kết nối cung cầu cũng được chú trọng.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới, trường hợp tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng làm tác động đến việc làm và thu nhập của người lao động, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ mới cho người lao động và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời sẽ triển khai, thực hiện một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và nhằm ổn định quan hệ lao động ngăn ngừa đình công xảy ra trên địa bàn.
Cụ thể, thường xuyên rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để có phương án kết nối cung - cầu lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm; ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến nhằm hỗ trợ tối đa cho người lao động tham gia, tìm kiếm việc làm.
Sở cũng sẽ phối hợp Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động tối ưu nhất để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động.