Dự án khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành có tổng mức đầu tư 282 triệu USD, do Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành chủ đầu tư.
Dự án nằm trên địa bàn các xã Tam An, An Phước và thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 10 km, nhằm thu hút các ngành sản xuất công nghệ cao vào tỉnh Đồng Nai.
Trước đây, dự án khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước “xí chỗ” vì có lợi thế gần sân bay Long Thành và khu cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tuy nhiên, do chậm tiến độ và liên tục trễ hẹn kể từ năm 2015, nhiều nhà đầu tư tiềm năng này đã tìm đến điểm dừng chân mới là tỉnh Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu...
Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nhấn mạnh khu công nghiệp sẽ ưu tiên cho các dự án công nghệ tiên tiến, hướng đến nền phát triển công nghiệp xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư lớn trên thế giới đang có kế hoạch đầu tư vào tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty cổ phần đô thị Amata (công ty con thuộc Tập đoàn Amata của Thái Lan, chủ đầu tư các khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai) đã tiếp nhận 40 nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất xây dựng dự án với diện tích 300 ha. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kong, Trung Quốc… Theo chủ đầu tư, dự kiến sau khi hoàn thành hạ tầng, diện tích có thể cho thuê của khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành sẽ nhanh chóng được lấp đầy.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai mới đây cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 623,2 triệu USD, tăng gần 2 lần so cùng kỳ (cùng kỳ đạt 321,3 triệu USD).
Tháng 6/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có quyết định thành lập dự án và cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp cong nghệ cao Long Thành, cho Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành. Theo đó, dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 hoàn thành trong niên hạn 2015 – 2017, giai đoạn 2 từ 2017 - 2020. Tuy nhiên, do chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng, dự án cũng chậm tiến độ và nhiều lần trễ hẹn khởi công.
Tại báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 vào cuối tháng 7/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết nguyên nhân dẫn đến dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động là do một phần diện tích đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng xen lẫn diện tích vẫn chưa giải phóng mặt bằng (mặt bằng da beo), nên chưa thể thực hiện được thủ tục thuê đất. Cùng với đó, tiến độ đầu tư dự án tái định cư đang rất chậm, không kịp tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hạng mục hạ tầng huyết mạch của dự án. Dự án nhánh rẽ đấu nối trạm biến áp 110 kV cấp điện cho khu công nghiệp chồng lấn ranh dự án tái định cư 47 ha dẫn đến chậm thu hồi đất.
Được biết, sau khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đang phối hợp các bộ, ngành nhằm hoàn thiện thủ tục thành lập 8 khu công nghiệp mới theo quy hoạch phát triển khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bao gồm các khu công nghiệp: Cẩm Mỹ, Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ), Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp (huyện Long Thành). Tổng diện tích của 8 dự án này là trên 8.200 ha. Tuy nhiên, hiện nay các khu công nghiệp đều gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, quy hoạch phân khu nên chưa triển khai xây dựng.
Theo Đồ án quy hoạch vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Long Thành trong tương lai sẽ là đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh Cẩm Mỹ, Trảng Bom và là cực phía đông của TP.HCM.
Ngoài ra, dự kiến tháng 9/2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác, kết nối các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.