Lý do các siêu tàu chở dầu - do Saudi Arabia sở hữu - tập trung ngoài khơi Biển Đỏ hiện chưa rõ ràng. Nó đến vào thời điểm Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thô kể từ tháng 7 nhằm nâng giá dầu thế giới, theo Bloomberg.
Những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung đã bao trùm thị trường, khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá tình hình tăng trưởng của nhu cầu dầu mỏ, đặc biệt là ở Trung Quốc.
“Lần cuối cùng trữ lượng nổi dầu thô của Saudi Arabia cao hơn mức hiện tại là vào quý II năm 2020, đạt mức 30 triệu thùng. Nhưng đó là trong bối cảnh trữ lượng nổi tăng cao và được cấu trúc bù hoãn mua hỗ trợ”, Jay Maroo, người đứng đầu bộ phận thông tin và phân tích thị trường của Vortexa cho Trung Đông và Bắc Phi, cho biết.
Một lời giải thích cho sự gia tăng tàu chở dầu trong khu vực có thể là do nhu cầu dầu thô của Saudi Arabia cao hơn ở châu Âu. Ông Maroo lưu ý cơ sở hạ tầng không phải nguyên nhân vấn đề.
Nhiều tàu chở dầu đã neo đậu hàng chục ngày trên Biển Đỏ. Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy 8 trong số 10 tàu neo đậu ngoài khơi Ain Sukhna thuộc sở hữu của Saudi Arabia. Những tàu khác vẫn đến cảng dầu Ain Sukhna của Ai Cập và bốc dỡ hàng hóa bình thương.
Ain Sukhna là điểm khởi đầu của đường ống SUMED, dài 320 km tới cảng Sidi Kerir của thành phố Alexandria, nằm ở phía tây Ai Cập giáp với Địa Trung Hải. Một phần quyền sở hữu đường ống thuộc về một số nước sản xuất dầu Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia.