Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 05 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu (federal funds target rate) lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Điều này khiến đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, ngày 24/10 Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất.
Cụ thể Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.
Đối với tiền gửi, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Sau 3 tháng đứng ngoài cuộc đua, 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đã tăng lãi suất tiết kiệm lên 7,4% cho kỳ hạn 12 tháng.
Ở nhóm các ngân hàng tư nhân, các kỳ hạn trên 12 tháng được tăng cao hơn so với nhóm Big 4, quanh mức lãi suất 8%, một số các kỳ hạn còn vượt mức 8%.
“Các kỳ hạn trên 12 tháng đã tăng lên cao hơn và có sự cách biệt khá lớn so với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Cho nên việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc không kỳ hạn chỉ để phù hợp với mặt bằng thôi, trước mắt chưa gây xáo động gì lớn trên thị trường tiền tệ. Các ngân hàng đã xem xét chứ cũng chưa có điều chỉnh gì mạnh về lãi suất vì hiện nay lãi suất đã tăng và đã phản ánh vào tình hình chung của các ngân hàng rồi”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng TPBank đánh giá về bối cảnh tăng lãi suất trên phóng sự của VTV mới đây.
Cũng trao đổi với VTV, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank cho biết bên cạnh việc tăng lãi suất huy động thì việc kiểm soát và bình ổn lãi suất cho vay cũng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Ngân hàng này hiện đang thực hiện một loạt các giải pháp để tiết kiệm chi phí, kiểm soát chất lượng nợ đến kiểm soát trích lập dự phòng trong kế hoạch. Bà Yến cho biết trong thời gian tới đây Vietcombank cũng triển khai sớm các gói hỗ trợ cho khách hàng đặc biệt là giảm lãi suất trực tiếp cho khách hàng vay vốn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, người dân đang gửi hơn 5,3 triệu tỷ đồng vào các ngân hàng, tăng 6,3% so với cuối năm ngoái. Động thái tăng lãi suất sau khi tăng biên độ giao động tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên gia đánh giá sẽ giúp chính sách tiền tệ đạt được 2 mục tiêu quan trọng gồm bảo đảm giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát.
“Lãi suất tăng lên sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc hơn trong các dự án đầu tư của mình. Do vậy nó sẽ không tạo ra sức ép đối với tổng cầu trên phương diện doanh nghiệp phải tăng cường đầu vào cho quá trình sản xuất kinh doanh”, GS. TS Trần Thọ Đạt, Uỷ viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lý giải về tác động của chính sách tăng lãi suất.
Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nếu không tăng lãi suất đồng nghĩa với việc tự phá giá đồng tiền của mình. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến giá cả hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam do tỷ giá hối đoái cao lên, từ đó lạm phát tăng lên. Chính vì thế bây giờ Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất tương thích với xu thế tăng lãi suất trên thế giới.
Quan trọng hơn việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất để tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung của thế giới. Từ đó giữ chân được dòng vốn đầu vào Việt Nam.
“Lãi suất của Mỹ tăng rất nhiều và dự kiến tiếp tục gia tăng nên sức ép với tỷ giá rất lớn. Việc tăng lãi suất sẽ làm giảm sức ép với tỷ giá và tạo ra bộ đêm để giữ được kỳ vọng về tỷ giá, từ đó giữ được dòng vốn FDI, FII đầu tư vào Việt Nam”, GS. TS Trần Thọ Đạt phân tích thêm.
Các chuyên gia đánh giá việc sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ sẽ làm giảm bớt sức ép lạm phát nhập khẩu đặc biệt khi nguồn nguyên liệu của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài về.