Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư của Dragon Capital (DCVFM) cho rằng, trong năm nay thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ có những biến động khó dự báo. Có nhiều yếu tố vĩ mô trên thế giới có thể ảnh hưởng tới thị trường như xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc và động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia tài chính nhận định rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2022 sẽ vẫn ổn định và có sự tăng trưởng. Ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc SGI Capital cho biết, khối ngoại đã bán ròng suốt hai năm qua, khiến thị trường có những thời điểm đã giảm khoảng 10-15%. Tuy nhiên, trong nhiều phiên gần đây các nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng. Chứng khoán đã bắt đầu bước vào một chu kỳ mới là sự chi phối của dòng tiền dài hạn của nhà đầu tư tổ chức. “Trong năm nay, với sự quay lại của khối ngoại, trong đó nhà đầu tư tổ chức sẽ chú trọng vào những cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 hoặc những cổ phiếu đầu ngành. Vì thế, không loại trừ khả năng thị trường sẽ sôi động trở lại, thanh khoản có thể gấp đôi hiện tại”, ông Phúc nhận định.
Từ góc độ ngành hàng, ông Lê Chí Phúc cho rằng, ở thời điểm hiện tại sức khỏe tài chính của các ngân hàng cơ bản tốt hơn giai đoạn trước rất nhiều. Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các giải pháp số hóa, hệ thống ngân hàng đang tận dụng sự phục hồi của nền kinh tế khá tốt. Đặc biệt năm nay tăng trưởng tín dụng được duy trì tốt. Do đó cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu có sức hấp dẫn mạnh với nhà đầu tư.
Đối với các lĩnh vực khác như bán lẻ, bất động sản, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, sau đợt điều chỉnh vừa qua, thị giá hiện tại của thị trường chứng khoán theo P/E đang ở mức thấp. Trong khi đó, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết vẫn dự kiến tăng trưởng 20-25%. “Nhiều doanh nghiệp trên sàn vẫn có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tích cực, hơn 20% và có khả năng duy trì mức tăng này trong kế hoạch dài hạn 3-5 năm tới. Vì thế yếu tố tăng trưởng lợi nhuận vẫn sẽ là tham chiếu chính để nhà đầu tư lựa chọn các mã cổ phiếu”, ông Tuấn nhận định.
Theo các chuyên gia của SGI Capital, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang bước vào chu kỳ phục hồi hậu Covid-19 với đà tăng trưởng lợi nhuận 1 - 3 năm tới rất mạnh mẽ. Do vậy, những lý do để bán tháo cổ phiếu về mức rất rẻ như thời gian vừa qua không tới từ những yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Nhìn chung thị trường chứng khoán hiện vẫn quy tụ các doanh nghiệp ưu tú, nhất là các ngành với hiệu quả kinh doanh và triển vọng tăng trưởng vượt trội. Vì thế, chỉ số VN-Index và những cổ phiếu xuất sắc sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên trong dài hạn với tốc độ trung bình 10-20%/năm trong năm nay và 2-3 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, thị trường luôn có những sự kiện, tin tức chi phối tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền vào - ra, tạo ra sự biến động trong ngắn hạn. Vì thế, nhà đầu tư cần quan sát kỹ dòng tiền của từng doanh nghiệp niêm yết, quan sát động thái mua bán của các cổ đông lớn. Tùy vào khẩu vị rủi ro để giảm tránh tâm lý sợ mất cơ hội. Từ đó tìm kiếm những doanh nghiệp có sự vượt trội để yên tâm rót vốn.
Nhóm nghiên cứu của CTCK Yuanta Việt Nam cũng nhận định, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ở giai đoạn vững vàng và ổn định nhất 15 năm qua. Triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng rất sáng trong 1-3 năm tới. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tập trung vào nhóm cổ phiếu ngành năng lượng, nhất là cổ phiếu các doanh nghiệp điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có chiết khấu sâu và có triển vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm cũng là nhóm đáng chú ý để đầu tư. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu tiêu dùng, bán lẻ và hóa chất vẫn là nhóm “trú ẩn” thích hợp cho nhà đầu tư dù xu thế dài hạn của thị trường kém tích cực.