Hiệu ứng thanh khoản rất thấp nhưng giá cổ phiếu lại tăng tốt hàm ý áp lực bán đang rất nhẹ. Thực vậy, chốt phiên sáng độ rộng của VN-Index khá kém với 194 mã tăng/241 mã giảm. Kết phiên tình thế hoàn toàn đảo ngược với 268 mã tăng/194 mã giảm.
Sàn HoSE chiều nay chỉ giao dịch được gần 5.299 tỷ đồng, giảm 27% so với phiên sáng. Rổ VN30 giảm tới 28%, chỉ đạt 2.279 tỷ đồng. Tuy nhiên có tới 25/30 cổ phiếu trong rổ blue-chips này tăng giá so với phiên sáng, duy nhất 3 mã tụt là VPB, STB và TPB.
Dẫn dắt VN-Index vẫn là FPT với mức tăng chung cuộc 3,33%, tuy nhiên chiều nay cổ phiếu này không đi lên cao thêm được, đây hoàn toàn là mức tăng từ sáng. Hỗ trợ chỉ số nhiều nhất là VHM – cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 3 thị trường. Chốt phiên sáng VHM vẫn giảm 0,74% nhưng đến chiều phục hồi mạnh mẽ 1,61% và quay đầu vượt tham chiếu 0,86%. Một số trụ khác cũng có ảnh hưởng tích cực như VIC, phục hồi 1,34% so với giá chốt buổi sáng và co hẹp đà giảm còn 0,11% so với tham chiếu. GVR bật tăng 2% và quay về tham chiếu. BID, CTG, HPG, VCB là các trụ khác cũng phục hồi, dù không phải tất cả đều vượt được tham chiếu.
VN30-Index cuối phiên sáng xanh nhẹ, đóng cửa tăng 0,54%. Chỉ số đại diện nhóm blue-chips này tăng trước và dẫn dắt các nhóm còn lại. Midcap chốt phiên cũng tăng 0,46%, Smallcap tăng 0,4%. Độ rộng tổng thể sàn HoSE vẫn nghiêng về phía giảm trong phần lớn thời gian phiên chiều và phải tới khoảng 2h15 mới cân bằng. Điều này phản ánh quá trình nâng giá lên từ từ, thận trọng từ bên mua khi thấy áp lực bán không gia tăng theo.
Dù hành trình này khá dài nhưng kết quả cuối cùng vẫn là tích cực. Không chỉ độ rộng cải thiện mà mặt bằng giá cũng được nâng lên. Chốt phiên sáng sàn HoSE mới có 78 mã tăng quá 1%, đóng cửa là 135 mã. Số giảm hơn 1% từ 86 mã buổi sáng co lại còn 72 mã và thanh khoản chiếm xấp xỉ 25% tổng khớp sàn này. Nhiều cổ phiếu vẫn chịu áp lực khá lớn, thanh khoản rất cao như DIG giảm 3,42% với 920,3 tỷ đồng; SSI giảm 1,42% với 423,2 tỷ; NVL giảm 1,97% với 228,9 tỷ; CTG giảm 1,37% với 205,1 tỷ… Tuy nhiên ngay cả ở các mã này cũng có mức độ phục hồi khá tốt: DIG bật lên 2,48% kể từ đáy thấp nhất ngày; SSI hồi 1,17%, NVL hồi 1,7%, CTG hồi 1,1%...
Phía tăng giá dĩ nhiên tích cực hơn, không chỉ nhiều hơn về số lượng mà thanh khoản còn tập trung tới gần 47% tổng khớp của sàn. Giao dịch đột biến xuất hiện ở MWG hôm nay khi khối ngoại chiếm hơn 25% tổng thanh khoản mã này và mức ròng đạt 241,9 tỷ đồng. Ngày mai quỹ ETF sẽ bán sạch hơn 48 triệu MWG và giá cổ phiếu này đang ở đỉnh 7 tháng, hôm nay tăng 1,28% với thanh khoản tới 1.219,8 tỷ đồng tương đương gần 22 triệu cổ. FPT tăng 3,33%, SHB tăng 2,18%, DGC tăng 1,18%, TCH tăng 1,88%, GEX tăng 2,7%, DBC tăng 1,25% với thanh khoản đều trên 200 tỷ đồng…
Như vậy tuy tổng thể thanh khoản trên thị trường là thấp, nhưng dòng tiền vẫn tập trung nổi bật vào nhiều cổ phiếu. Sự thận trọng vẫn đang chiếm ưu thế, thể hiện qua mức thanh khoản liên tục duy trì thấp. Tuần trước kỳ nghỉ, tổng giá trị khớp lệnh 2 sàn niêm yết khoảng 15.782 tỷ đồng/phiên nhưng hôm nay chỉ còn 13.525 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay tiếp tục bán ra rất mạnh, trong đó có giao dịch BWE với -514 tỷ đồng. Mức ròng chiều nay đạt 485,1 tỷ và cả phiên là 910,8 tỷ. Ngoài BWE, có thêm SSI -102,7 tỷ, CTG -85,2 tỷ, DIG -60,9 tỷ, VRE -47,1 tỷ, VPB -38,6 tỷ, HCM -37,4 tỷ, VCI -26,3 tỷ, HDB -25,6 tỷ… Phía mua ngoài MWG có BID +54,5 tỷ, SAB -34,8 tỷ, VHM -24,7 tỷ, VNM +44,9 tỷ…