Sau giai đoạn biến động mạnh, thị trường dần đang ổn định trở lại. Tuy nhiên, thanh khoản èo uột cho thấy dòng tiền vẫn rất thận trọng trước những biến số khó lường.
Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco, mặc dù tâm lý thị trường nhìn chung khá thận trọng do thị trường đang trong vùng trũng thông tin và kỳ nghỉ Tết tới gần làm gia tăng nhu cầu thanh khoản. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện khi chỉ số lui về ngưỡng hỗ trợ quan trọng 985-1.000 điểm.
Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các cơ hội bắt đáy tại vùng giá thấp. Quan sát diễn biến thị trường, lực cầu này có thể từ khối nhà đầu tư nước ngoài, khi họ vẫn tiếp tục mua ròng trong 4 phiên gần đây với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng do hiệu ứng giao dịch của các quỹ tại thời điểm cuối năm.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng nhịp hồi phục vẫn sẽ tiếp tục trong các phiên cuối năm. Tuy nhiên, với việc xu hướng thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu rõ ràng và các thông tin hỗ trợ tương đối ít, không ngoại trừ khả năng chỉ số có thể sẽ có thêm 1-2 nhịp giảm điểm trong các tuần đầu năm 2023 để kiểm định lượng cung – cầu trước khi bước vào xu hướng mới.
Dự phóng về kết quả kinh doanh quý 4/2022, ông Khoa nghiêng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường sẽ có nhiều về gam màu xám. Mặc dù vẫn sẽ có một số nhóm ngành sẽ có sự tăng trưởng so với cùng kỳ như hàng không – du lịch hay thực phẩm – đồ uống.
Đối với nhóm ngân hàng, KQKD quý 4 sẽ có sự phân hoá khi những doanh nghiệp có chất lượng tài sản và năng lực tài chính tốt cùng quy mô lớn có thể vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng. Ngược lại các ngân hàng quy mô nhỏ hơn có thể gặp áp lực từ việc thu hẹp biên lãi thuần kết hợp với khả năng phải trích lập dự phòng khi rủi ro nợ xấu tăng lên.
Đối với nhóm bất động sản, KQKD quý 4 sẽ chưa khởi sắc khi các hoạt động thi công dự án hay bán hàng đều tương đối trầm lắng, trong khi các chính sách ngành hiện mới dự thảo và vẫn cần thời gian để có thể được phê duyệt.
Đối với nhóm thép, áp lực về chi phí tài chính so với quý 3 sẽ giảm bớt khi tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm trong quý 4. Đây là yếu tố có thể hỗ trợ phần nào kết quả lợi nhuận của nhóm này.
Bàn về định giá thị trường, chuyên gia cho rằng P/E hiện đang ở vùng thấp ngang đáy thời điểm Covid-19, song mức định giá thấp chủ yếu do mức P/E của ngành ngân hàng thấp hơn đáng kể trung bình ngành (khoảng 8 lần P/E so với mức gần 11 lần của VN-Index). Do đó, định giá của các nhóm ngành còn lại nhìn chung đang khá phù hợp với trung bình lịch sử.
Trong bối cảnh KQKD quý 4 có thể phân hóa, nhiều nhóm cổ phiếu trụ như bất động sản, thép còn nhiều khó khăn, chuyên gia cho rằng định giá P/E của thị trường sẽ cao hơn so với hiện tại. Tuy vậy, mức định giá này không quá đắt mà là phù hợp với tình hình thực tế khi mặt bằng lãi suất, tỷ giá đang trong xu hướng lên và Việt Nam đã phải thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt nhằm ổn định lạm phát, lãi suất và tỷ giá.
Bên cạnh đó, chuyên gia Agriseco cũng kỳ vọng diễn biến năm 2023 sẽ có sự hồi phục khi Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành,... Tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt so với năm nay khi dự báo FED sẽ tăng lãi suất lên mức 5-5,25% trong năm 2023 và duy trì tới hết năm và Trung Quốc mở cửa trở lại kể từ đầu tháng 1/2023 sẽ tác động tích cực tới nhiều ngành nghề trọng điểm như xuất khẩu, hàng không – du lịch, khu công nghiệp,…
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường, tránh mua đuổi tại các nhịp chỉ số tăng giá. Đối với các nhà đầu tư nắm giữ lượng đòn bẩy lớn, nên tận dụng nhịp hồi phục của VN-Index để hạ tỷ trọng.
Đối với nhà đầu tư nắm giữ trung-dài hạn và đang có sẵn tiền mặt có thể tích luỹ tại nhịp điều chỉnh của thị trường. Dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ có thể hướng về các cổ phiếu có câu chuyện trong năm 2023 như nhóm chủ đề đầu tư công (Xây dựng, vật liệu xây dựng); nhóm hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa như xuất khẩu (thuỷ sản, dệt may, cao su), khu công nghiệp, hàng không, cảng biển, thép; hay nhóm phòng thủ trong môi trường tỷ giá, lãi suất biến động như thực phẩm thiết yếu, điện, dược hay nhóm doanh nghiệp trả cổ tức trên thị giá cao.