Theo Bloomberg, một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm cách phá vỡ vị thế thống trị của đồng USD vì lo ngại trước sức mạnh áp đảo và tiến trình vũ khí hóa của đồng bạc xanh.
Các quốc gia nhỏ hơn, bao gồm ít nhất hơn 10 quốc gia tại châu Á, cũng thử nghiệm hệ thống phi đôla Mỹ hóa. Nhiều tập đoàn trên khắp thế giới đang phát hành trái phiếu chủ yếu bằng đồng nội tệ nhằm hạn chế sức mạnh của đồng USD.
Nỗi lo về sức mạnh của đồng bạc xanh
Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đang sử dụng sức mạnh của đồng đôla Mỹ để thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cùng với đó là những cải tiến trong công nghệ đang thúc đẩy các quốc gia thoát ra khỏi sự thống trị của đồng USD.
“Chính quyền Biden đã phạm sai lầm khi vũ khí hóa đồng đôla Mỹ và hệ thống thanh toán toàn cầu. Điều đó sẽ buộc các nhà đầu tư và nhiều quốc gia phải tìm nơi trú ẩn an toàn khác thay cho Mỹ”, ông John Mauldin, chiến lược gia đầu tư và Chủ tịch của Millennium Wave Advisors, cho biết.
Chính quyền Biden đã phạm sai lầm khi vũ khí hóa đồng đôla Mỹ và hệ thống thanh toán toàn cầu. Điều đó sẽ buộc các nhà đầu tư và nhiều quốc gia phải tìm nơi trú ẩn an toàn khác thay cho Mỹ
Ông John Mauldin, Chủ tịch của Millennium Wave Advisors
Các kế hoạch thanh toán song phương đã được tiến hành ở Nga và Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc tiền tệ của hai quốc gia này được sử dụng nhiều hơn cho các khoản thanh toán quốc tế, bao gồm cả cách sử dụng công nghệ blockchain. Minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định này là việc Nga muốn thanh toán năng lượng bằng đồng rúp.
Ngay sau đó, các nước như Bangladesh, Kazakhstan... đã đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ. Ấn Độ cũng đã bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn về quốc tế hóa đồng rupee và đã bắt đầu cơ chế thanh toán song phương với UAE.
Động lực chính của kế hoạch này là vì Mỹ và châu Âu đã loại Nga khỏi mạng SWIFT. Hành động trên khiến hầu hết ngân hàng lớn của Nga buộc phải dựa vào hệ thống mạng lưới thanh toán nhỏ hơn của riêng mình.
Động thái này phản ánh hai ý nghĩa. Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga làm dấy lên mối lo ngại rằng đồng USD có thể trở thành một công cụ chính trị trong tương lai. Do đó, Ấn Độ đã và đang phải phát triển hệ thống thanh toán “cây nhà lá vườn” và hệ thống này sẽ tương tự như mạng SWIFT.
Thứ hai, quyết định của Mỹ trong việc sử dụng tiền tệ như một hình thức quản lý kinh tế đã gây thêm áp lực đối với các quốc gia ở châu Á. Nếu không có hệ thống thanh toán khác để thay thế, những đất nước tại châu lục này sẽ buộc phải tuân thủ hoặc thực thi các biện pháp trừng phạt theo quyết định của Mỹ và mất cơ hội giao dịch với nhiều đối tác quan trọng.
“Những biện pháp trừng phạt gây khó khăn hơn đối với các quốc gia và công ty trong việc giữ thái độ trung lập trong các cuộc đối đầu địa chính trị. Các nước sẽ tiếp tục cân nhắc những mối quan hệ kinh tế và chiến lược. Nhiều công ty đang bị mắc kẹt trong thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ và phải đối mặt với các nghĩa vụ tuân thủ phức tạp cũng như các áp lực mâu thuẫn khác”, ông Jonathan Wood, người đứng đầu bộ phận phân tích rủi ro toàn cầu tại Control Risks, nhận định.
Bên cạnh các biện pháp trừng phạt, việc giá đồng USD tăng mạnh cũng khiến các quan chức châu Á tích cực hơn trong nỗ lực phi đôla Mỹ hóa.
Theo Bloomberg, chỉ số USD dollar index đã tăng lên khoảng 7% trong năm nay, đây là đà tăng lớn nhất kể từ năm 2015. Chỉ số này đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 9 khi đồng USD tăng mạnh và đẩy tiền tệ của nhiều nước như đồng bảng Anh và đồng rupee của Ấn Độ xuống mức thấp kỷ lục.
Kế hoạch phi đôla Mỹ hóa
Sức mạnh của đồng đôla Mỹ là “bài toán” lớn đối với các quốc gia châu Á. Những nước bị ảnh hưởng đã ghi nhận tình trạng giá thực phẩm tăng cao, gánh nặng trả nợ ngày càng trầm trọng và tình trạng nghèo đói gia tăng.
Sri Lanka là một trường hợp điển hình khi quốc gia này bị vỡ nợ do giá đồng USD tăng vọt khiến các khoản vay bằng đồng bạc xanh trở nên nặng nề hơn.
Nhiều quốc gia đã tìm giải pháp để giảm thiểu sự ảnh hưởng của đồng đôla Mỹ. Trường hợp của Ấn Độ và UAE là một ví dụ khi hai quốc gia này thúc đẩy giao dịch nhiều hơn bằng đồng rupee và thiết lập các thỏa thuận dàn xếp thương mại bỏ qua đồng đôla Mỹ.
Trong khi đó, doanh số bán trái phiếu bằng đồng USD của các công ty phi tài chính đã giảm xuống mức 37%, mức thấp thấp kỷ lục trong thập kỷ qua, trên tổng doanh số toàn cầu vào năm 2022.
Bên cạnh đó, một số nền kinh tế đang cắt giảm việc sử dụng đồng đôla Mỹ bằng việc nỗ lực xây dựng mạng lưới thanh toán mới. Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan đã thiết lập các hệ thống giao dịch bằng đồng nội tệ của mỗi quốc gia thay vì đồng USD. Tại Đài Loan, người dân có thể thanh toán bằng hệ thống mã QR được liên kết với Nhật Bản.
Sự kết hợp của các động thái phi đôla Mỹ hóa là một thách thức đối với “đặc quyền cắt cổ” của Mỹ mà cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Valéry Giscard d'Estaing trước đó đã nhận định. Đây là một thuật ngữ mà ông đặt ra vào những năm 1960 nhằm mô tả quyền bá chủ của đồng bạc xanh, thứ quyền lực bảo vệ Mỹ khỏi rủi ro tỷ giá hối đoái.
Đồng USD có thể vẫn giữ vững vị thế “ông hoàng” tiền tệ của mình trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, động lực xây dựng các giao dịch bằng nhiều loại tiền tệ khác sẽ không có dấu hiệu chậm lại.