Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BSC đã có những nhận định về chỉ số DXY và những tác động đến Việt Nam.
Đồng USD có khả năng tiếp tục tăng
Thống kê một số giai đoạn biến động chính của chỉ số DXY được thực hiện bởi Chứng khoán BSC cho thấy, giai đoạn 1980-1985: Chu kỳ đi lên của chỉ số DXY bắt đầu vào khoảng năm 1980, khi nền kinh tế thế giới thoát ra khỏi một trong những thập kỷ địa chính trị khắc nghiệt nhất của những năm 1970. Từ năm 1980 đến năm 1985, chỉ số Đô la Mỹ đã tăng hơn 50% khi các nền kinh tế Mỹ Latinh bắt đầu vỡ nợ. Khi đồng tiền của các nền kinh tế Mỹ Latinh sụp đổ, đồng đô la Mỹ đã bắt đầu tăng giá.
Giai đoạn 1994-2000: Đợt phục hồi lớn thứ hai của chỉ số DXY bắt đầu vào khoảng năm 1994 khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Điều này cùng với sự phục hồi lớn của một số cổ phiếu công nghệ đã đưa đồng USD tăng giá suốt cho đến tận năm 2000. Tuy nhiên một lần nữa, đà tăng của đồng USD lại biến mất sau vụ phá sản công nghệ và vụ khủng bố 11/9 đã làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của đồng USD. Cho đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chỉ số USD Index đã thực sự chạm mức thấp nhất lịch sử, và suy thoái lúc đó thực sự lan rộng trên toàn thế giới.
Giai đoạn 2011-2016: bắt đầu từ năm 2011, chỉ số DXY bắt đầu tăng trở lại. Sự tăng giá của USD nhờ vào 2 yếu tố chính: Vào năm 2011, hầu hết các nền kinh tế Nam Âu đều lâm vào tình trạng khó khăn do vay nợ quá mức. Mà tất cả các nền kinh tế này đều là một phần của đồng EUR, nên họ phải được bảo lãnh, dẫn đến sự suy yếu của đồng EUR và USD mạnh lên.
Fed lần đầu tiên đề cập đến việc giảm bớt việc mua trái phiếu của họ vào năm 2013 và bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2015. Năm 2016 đánh dấu đồng USD chạm mức cao nhất trong vòng 13 năm qua bên cạnh niềm tin FED tiếp tục tăng lãi suất cùng với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ với lời hứa tăng chi tiêu cho cầu đường và công nghiệp cũng khiến các nhà đầu tư lạc quan về tốc độ tăng trưởng trong tương lai và đẩy đồng USD tăng cao.
Giai đoạn 2022-2023: Năm 2022 đánh dấu thời điểm chỉ số DXY tăng rất mạnh. Lý do chính của việc này là lạm phát của Hoa Kỳ tăng lên mức cao kỷ lục. Để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tăng lãi suất. FED đã nâng lãi suất lên 11 lần kể từ T10/2022 cho đến thời điểm hiện tại đã khiến các nhà đầu tư bắt đầu theo đuổi các khoản đầu tư bằng đồng tiền này để thu lợi nhiều hơn, khiến nhu cầu USD tăng mạnh, đẩy giá trị của đồng USD lên cao. Đà tăng của đồng USD càng có cơ sở để củng cố khi thị trường tin rằng FED sẽ giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái thắt chặt trong năm 2024.
Động thái của FED cùng với sự vững vàng của nền kinh tế Hoa Kỳ trong khi kinh tế Châu Âu và Trung Quốc gây thất vọng sẽ là cơ sở để đồng USD có nhiều khả năng tiếp tục tăng giá trong ngắn hạn.
Tác động thế nào tới thị trường chứng khoán?
Theo BSC, một vài nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số DXY gồm chính sách tiền tệ của FED. Khi FED tăng lãi suất sẽ khiến đầu tư bằng đồng USD hấp dẫn hơn so với các đồng tiền khác khiến nhu cầu USD tăng và làm chỉ số DXY tăng và ngược lại.
Tất cả những nhân tố hưởng đến cung/cầu của các đồng tiền trong rổ tính DXY đều sẽ ảnh hưởng đến chỉ số DXY. Với xu hướng suy yếu của kinh tế Châu Âu, Nhật và Anh (đồng tiền của 3 khu vực này chiếm tỷ trọng lớn trong công thức tính chỉ số DXY) thì đều có ảnh hưởng khiến đồng USD mạnh lên. Ngoài xu hướng giảm giá của đồng EUR, JPY và GDP thì các đồng tiền khác như THB (đồng Baht Thái) và CNY (đồng Nhân dân tệ) cũng đang trong xu hướng giảm giá với đồng USD.
Về tình hình kinh tế, địa chính trị, khi nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển và tăng trưởng mạnh sẽ khiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao, làm nhu cầu về USD sẽ lớn, thúc đẩy giá trị đồng tiền đó tăng lên.
Ngoài ra, kinh tế tăng trưởng tốt còn kéo theo nhu cầu đầu tư và sử dụng đồng USD như ngoại tệ trú ẩn an toàn cũng khiến giá trị của đồng USD tăng. Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị đang diễn ra giữa Israel và Palestine ở Trung Đông có thể khiến các nhà đầu tư tìm đến USD như một nơi trú ẩn an toàn thay vì các đồng tiền khác.
Khi tâm lý của các nhà đầu tư trở nên tích cực thì sự đồng thuận của thị trường chung trở nên tích cực hơn và thúc đẩy đà tăng giá của đồng USD và ngược lại.
Khi lạm phát của Hoa Kỳ tăng cao, FED sẽ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát dẫn đến các nhà đầu tư bắt đầu theo đuổi các khoản đầu tư bằng USD để thu lợi nhiều hơn, khiến nhu cầu USD tăng mạnh, chỉ số DXY tăng khiến VND bị giảm giá trị so với USD dẫn đến áp lực về tỷ giá và NHNN cần can thiệp chính sách tiền tệ để điều hành tỷ giá.
Theo đánh giá của BSC, những nhóm ngành và cổ phiếu được hưởng lợi của việc tăng tỷ giá USD/VND gồm Thủy sản, Hóa chất, Dầu khí, Phân bón, Gạo, Dệt may, Săm lốp.
Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng trung lập gồm sắt thép và nhựa. Với thép, HPG ảnh hưởng tiêu cực do HPG có tỷ trọng xuất khẩu trên tổng sản lượng chỉ ở mức 20% trong khi 70% nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi tiêu cực là FPT, ngành công nghệ thông tin, tỷ trọng thị trường có đồng tiền mất giá (Nhật/EU) lớn hơn.