Nhà chức trách Nhật Bản đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn về can thiệp vào thị trường ngoại hối để chống lại sự mất giá của đồng Yên, trong bối cảnh thị trường đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo ngay cả khi các ngân hàng trung ương khác thắt chặt để chống lạm phát.
Sáng nay (30/6), tỷ giá Yên có lúc rớt xuống mức 145 Yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 7 tháng rưỡi. Cú giảm này diễn ra khi đồng USD tăng giá mạnh sau khi số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày 29/5 cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới - củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
Trao đổi với hãng thông tấn Kyodo, ông Yuji Saito - trưởng bộ phận ngoại hối của ngân hàng Credit Agricole Corporate & Investment Bank - nói rằng đồng Yên đang đối mặt với áp lực giảm giá lớn “do khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản với không chỉ Mỹ mà cả châu Âu”.
Mốc 145 Yên đổi 1 USD được thị trường nhận định là một ngưỡng nhạy cảm mà Chính phủ Nhật Bản có thể can thiệp vào thị trường. Đây chính là mốc tỷ giá khiến Tokyo đi đến quyết định can thiệp vào năm ngoái.
Dấu hiệu sắp có can thiệp
Cho tới hiện tại, nhà chức trách Nhật chưa có động thái nào ngoài đưa ra những lời cảnh báo. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, ngoài việc can thiệp bằng lời nói, Chính phủ Nhật Bản còn có một số lựa chọn khác để xử lý tình trạng mà họ cho là sự mất giá quá mức của đồng Yên. Một trong số những lựa chọn đó là can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ, bằng cách mua vào một lượng lớn đồng Yên bằng cách bán ra USD để gom Yên về.
Lần gần đây nhất Nhật Bản có động thái can thiệp như vậy là vào tháng 9 năm ngoái, khi lãi suất siêu thấp của BOJ khiến tỷ giá đồng Yên giảm về mức 145 Yên đổi 1 USD. Đó là lần can thiệp đầu tiên kể từ năm 1998 của Chính phủ Nhật Bản vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Sau đó, Tokyo tiếp tục can thiệp vào tháng 10/2023, khi tỷ giá Yên rớt xuống mức 151,94 Yên đổi 1 USD, yếu nhất trong 32 năm.
Có thể thấy can thiệp bằng cách mua vào đồng Yên là biện pháp mà Nhật Bản hiếm khi áp dụng. Thậm chí hiếm hơn nữa là việc Bộ Tài chính Nhật Bản bán ra đồng Yên để chống lại sự tăng giá của đồng nội tệ, bảo vệ nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của của nước này.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, xu hướng mất giá của đồng Yên là một vấn đề lớn, vì nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài và nền kinh tế nước này đang có mức độ phụ thuộc lớn vào hàng hóa nhập khẩu, từ xăng dầu và nguyên vật liệu thô tới linh kiện máy móc.
Khi các quan chức Nhật Bản gia tăng những lời cảnh báo và tuyên bố “sẵn sàng hành động quyết đoán” để chống lại sự đầu cơ, đó là một dấu hiệu cho thấy sự can thiệp có thể sắp diễn ra. Một động thái kiểm tra tỷ giá của BOJ - quan chức ngân hàng trung ương gọi điện tới các nhà giao dịch để hỏi giá mua/bán đồng Yên - được các nhà giao dịch xem là khả năng sắp có sự can thiệp. Nếu mốc 145 Yên đổi 1 USD chưa dẫn tới sự can thiệp, thì mốc 150 Yên/USD được xem là giới hạn tiếp theo.
Rủi ro và thách thức đối với chính phủ Nhật Bản
Một quyết định can thiệp vào thị trường ngoại hối là vấn đề chính trị lớn ở Nhật Bản. Khi công chúng bất bình vì đồng Yên yếu và sự gia tăng chi phí sinh hoạt, nhà chức trách sẽ đối mặt với sức ép phải hành động. Đó là động lực phía sau động thái can thiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản vào thị trường ngoại hối vào năm ngoái.
Ở thời điểm hiện tại, dù lạm phát ở Nhật vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BOJ, áp lực từ công chúng đã giảm xuống vì giá xăng dầu và giá hàng hóa toàn cầu đã “giảm nhiệt” sau khi lập đỉnh vào năm ngoái. Nhưng nếu tốc độ mất giá của Yên gia tăng và thu hút sự chú ý của công chúng, khả năng can thiệp sẽ tăng theo.
Cần phải nói thêm rằng can thiệp vào thị trường tiền tệ không phải là một việc dễ dàng đối với Chính phủ Nhật Bản. Can thiệp có thể rất tốn kém và dễ thất bại, bởi một đợt mua vào lớn của Tokyo cũng có thể chỉ là “muối bỏ bể” so với lượng Yên trị giá 7,5 nghìn tỷ USD được giao dịch hàng ngày trên thị trường ngoại hối toàn cầu.
Khi muốn ngăn sự tăng giá của Yên, Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ phát hành tín phiếu ngắn hạn, huy động Yên rồi bán đồng Yên ra thị trường để khiến tỷ giá đồng nội tệ giảm xuống. Ngược lại, khi muốn hỗ trợ tỷ giá đồng Yên như hiện nay, nhà chức trách phải rút USD từ dự trữ ngoại hối để mua vào đồng Yên. Trong bất kỳ trường hợp can thiệp nào, Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ là cơ quan ra lệnh can thiệp, và BOJ sẽ thực hiện sự can thiệp với tư cách một đại diện của Bộ Tài chính.
Việc can thiệp bằng cách mua Yên là khó hơn can thiệp bằng cách bán Yên. Nhật Bản hiện giữ gần 1,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhưng dự trữ này có thể bị bào mòn nhanh chóng nếu Tokyo liên tục phải can thiệp để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ.
Điều này có nghĩa là có những giới hạn trong việc Nhật Bản có thể duy trì hành động trong bao lâu để giữ giá Yên. Việc này khác với việc can thiệp bán Yên - sự can thiệp mà về bản chất Tokyo có thể in thêm Yên thông qua phát hành tín phiếu.
Nhật Bản cũng phải tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), nhất là Mỹ, vì sự can thiệp bảo vệ tỷ giá đồng Yên có liên quan tới đồng USD. Năm ngoái, Washington đã đưa ra sự nhất trí ngầm đối với việc Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ, và điều này phản ánh mối quan hệ đang nồng ấm giữ hai nước đồng minh. Tuy nhiên, việc can thiệ liên tục sẽ khó, bởi Mỹ có truyền thống phản đối việc can thiệp vào thị trường trừ khi thị trường có biến động cực đoan.