Theo Nikkei Asian Review, việc đồng yen giảm mạnh so với USD và các tiền tệ khác đã khiến Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn hơn với lao động nước ngoài. Mức lương trung bình ở Nhật Bản tính theo đồng USD lao dốc 40% trong thập kỷ qua.
Chênh lệch về mức lương tại Nhật Bản và các quốc gia mới nổi khác ở châu Á đang ngày càng thu hẹp. Điều đó khiến ngành công nghiệp xây dựng và điều dưỡng ở Nhật Bản khó tuyển dụng lao động hơn.
Hồi năm 2019, MPKen - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tokyo, chuyên đào tạo các kỹ sư xây dựng Việt Nam muốn làm việc ở Nhật Bản - đã nhận được lượng đơn đăng ký gấp 5 lần 50 suất hiện có. Nhưng vào năm nay, MPKen lo rằng lượt đăng ký thậm chí không đủ 50 đơn.
Đồng yen mất giá
Nguyên nhân lớn khiến ngày càng ít lao động nước ngoài quan tâm đến việc làm ở Nhật Bản là đồng yen sụt giá mạnh. Trong vòng 2 năm qua, đồng yen Nhật Bản đã giảm 20% so với tiền đồng của Việt Nam.
Trong những năm qua, các kỹ sư xây dựng nước ngoài ở Nhật Bản kiếm trung bình 200.000 yen mỗi tháng (1.375 USD). Trong khi đó, tại Việt Nam, những lao động có tay nghề cao trong cùng lĩnh vực có thể kiếm tới 25 triệu đồng (150.000 yen) mỗi tháng.
Nhật Bản từng thu hút được người lao động nước ngoài mà không cần làm gì. Nhưng thời kỳ đó đã qua rồi
Ông Yohei Shibasaki, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Four Valley
"Vị thế là điểm đến việc làm hàng đầu của Nhật Bản đang bị lung lay bởi chênh lệch lương ngày càng thu hẹp", Nikkei Asian Review dẫn lời bà Bế Minh Nhật tại MPKen nhận xét.
Một phụ nữ Philippines 23 tuổi bắt đầu làm việc tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Gunma vào mùa xuân năm nay. Mỗi tháng, cô gửi 30.000 yen, tương đương 15% tiền lương, cho gia đình ở quê. Nhưng giờ, cô bắt đầu sợ rằng những đồng tiền mình gửi về đang mất giá nhanh.
Tiền lương tính theo USD ở Nhật Bản đã lao dốc mạnh. Mức lương trung bình của người lao động Nhật Bản trong năm tài chính 2020-2021 lao dốc hơn 40% so với năm tài chính 2012.
Tiền lương ở Việt Nam và Philippines vẫn thấp hơn Nhật Bản. Nhưng mức lương của các kỹ sư xây dựng và điều dưỡng viên tại Hà Nội và Manila đã tương đương 5/10 và 7/10 ở Nhật Bản.
Trong khi đó, mức lương của khu vực phi sản xuất ở Singapore và Hong Kong đã vượt Nhật Bản.
Chênh lệch mức lương thu hẹp
Dòng lao động của một quốc gia tới Nhật Bản bắt đầu sụt giảm khi GDP bình quân đầu người của nước đó đạt 7.000 USD. Nếu con số vượt mức 10.000 USD, họ sẽ tuyển dụng lao động từ các quốc gia khác. Đây là những gì mà Nhật Bản trải qua khi Trung Quốc đạt được cột mốc này.
Theo Nikkei, Việt Nam đang đi trên một quỹ đạo giống Trung Quốc. GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến tăng từ khoảng 4.000 USD lên 7.000 USD trong khoảng 5 năm tới. Sự suy yếu của đồng yen càng bào mòn động lực của người lao động.
Nhật Bản có 1,72 triệu lao động nước ngoài vào năm 2021, chiếm 2,5% lực lượng lao động và gấp 2,5 lần so với thập kỷ trước đó. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Nhật Bản sẽ đi xuống theo sức mạnh của đồng yen. Cùng với đó là việc mức lương ở những quốc gia khác tăng lên.
Tình trạng thiếu hụt lao động đang rất nghiêm trọng ở lĩnh vực xây dựng của Nhật Bản. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ước tính cần thêm 5 triệu lao động nước ngoài đến năm 2040 để Nhật Bản đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Để thu hút thêm lao động nước ngoài, Nhật Bản không chỉ cần tăng lương. Trung bình, người lao động nước ngoài ở Nhật Bản phải trả thuế thu nhập 10%, cao hơn nhiều tại Việt Nam và Philippines.
Vào tháng 9, Four Valley Concierge, một dịch vụ nhân sự ở Tokyo, đã mở thêm cơ sở tại Nepal để cung cấp các khóa học tiếng Nhật cho điều dưỡng viên và những lao động khác. Công ty cũng lên kế hoạch phát triển trung tâm chăm sóc ở Nhật Bản, đưa ra các lời khuyên cho lao động nước ngoài về cuộc sống tại nước này.
"Nhật Bản từng thu hút được người lao động nước ngoài mà không cần làm gì. Nhưng thời kỳ đó đã qua rồi", ông Yohei Shibasaki, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Four Valley, bình luận.
"Giờ đây, chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, học cách ra ngoài và tìm kiếm lao động nước ngoài", ông nói thêm.