Cuối phiên tại thị trường New York, đồng USD giảm giá hơn 2,6% so với đồng yên, về mức 143,465 yên đổi 1 USD. Trong phiên, có lúc bạc xanh mất giá tới 3,8% so với đồng tiền của Nhật Bản, đưa tỷ giá yên lên mức cao nhất 3 tháng trở lại đây. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm cũng tăng, đạt 0,75%.
Phát biểu ngày 7/12, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nói cơ quan này đã có một số lựa chọn về mục tiêu lãi suất một khi đưa lãi suất cho vay ngắn hạn ra khỏi trạng thái âm đã duy trì bấy lâu nay. Thị trường xem đây là một dấu hiệu tiềm năng cho thấy BOJ có thể sắp dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, và điều này tạo động lực để đồng yên bật tăng mạnh mẽ.
Một khi chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ, BOJ sẽ lại ngược chiều với các ngân hàng trung ương khác: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đều được cho là sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Sự trái chiều như vậy sẽ có lợi cho tỷ giá của đồng yên.
Trong suốt những năm gần đây, BOJ cũng “ngược dòng” thế giới về chính sách tiền tệ, khi cơ quan này duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo để kích thích tăng trưởng kinh tế và lạm phát, còn các ngân hàng trung ương lớn khác mạnh tay thắt chặt để chống lạm phát. Sự trái chiều đó đã gây áp lực mất giá mạnh lên đồng yên, khiến yên trở thành đồng tiền chủ chốt mất giá nhiều nhất trong năm nay, có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất 3 thập kỷ so với USD.
“Những tuyên bố vừa rồi của BOJ đang ‘tiếp lửa’ cho sự đặt cược rằng rốt cục ngân hàng trung ương này cũng sẽ đưa lãi suất trở lại trạng thái dương”, chiến lược gia Karl Schammotta của công ty Corpay nhận định.
Thời gian qua, khi tỷ giá yên giảm xuống những mức nhạy cảm, thị trường đã liên tục đồn đoán về việc Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ tiến hành can thiệp để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ. Dù vậy, có vẻ như nhà chức trách Nhật đã không có cuộc can thiệp nào vào thị trường tiền tệ trong năm nay, sau khi có đợt can thiệp đầu tiên sau nhiều năm vào năm ngoái.
“Thị trường đã bán khống đồng yên rất, rất nhiều và mọi người đang đồng thuận rằng năm 2024 sẽ là năm mà Nhật Bản kết thúc chính sách lãi suất lãi suất âm. Bởi vậy, thị trường sẵn sàng dịch chuyển khi xuất hiện bất kỳ tín hiệu nào cho thấy điều đó”, chiến lược gia Michael Brown của TraderX nhận định với hãng tin Reuters.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, biến động tỷ giá giữa các đồng tiền chủ chốt nhiều khả năng sẽ bị chi phối bởi báo cáo việc làm tháng 11 từ Bộ Lao động Mỹ. Hai tuần tới sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2023 của một loạt ngân hàng trung ương lớn, gồm Fed vào ngày thứ Tư tuần này, ECB vào ngày thứ Năm tuần này, và BOJ vào ngày thứ Ba tuần tới.
Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này. Thị tường tương lai cũng đang đặt cược khả năng 60% Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024, từ mức 50% cách đây 1 tuần - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, thị trường tài chính trong phiên ngày thứ Năm có thời điểm đặt cược khả năng 45% BOJ kết thúc chính sách lãi suất âm ngay trong cuộc họp tháng 12 này. Cách đây 2 hôm, khả năng này mới là 3,5%.
“Sự phục hồi của thị trường trái phiếu trong tháng 11 đã tạo điều kiện để BOJ điều chỉnh chính sách tiền tệ trước Giáng sinh. Nhưng BOJ đã nói rõ rằng bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ vừa phải và từ tốn”, chiến lược gia Althea Spinozzi của Saxo Bank nói với Bloomberg.
Một cuộc khảo sát các nhà kinh tế học do Bloomberg thực hiện dự báo BOJ sẽ kết thúc trạng thái lãi suất âm trước cuối tháng 4/2024. Trong đó, hơn một nửa các nhà kinh tế được khảo sát dự báo việc nâng lãi suất sẽ diễn ra trong tháng 4. Trong cuộc khảo sát hôm tháng 10, chỉ 29% dự báo BOJ sẽ nâng lãi suất trong tháng 4.
“Kịch bản đẹp nhất là lãi suất âm kết thúc vào tháng 4. Tuy nhiên, cũng có khả năng nhẹ BOJ nâng lãi suất ngay trong tháng 1 hoặc tháng 3, vì họ muốn hành động sớm nhất có thể trong bối cảnh thị trường tài chính và môi trường chính trị có nhiều bấp bênh”, nhà kinh tế trưởng Yasunari Ueno của Mizuho Securities nhận định với Bloomberg.