Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (31/10), nhưng chỉ số Dow Jones hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 1976 và cả ba chỉ số cùng chấm dứt chuỗi 2 tháng giảm liên tiếp. Giá dầu thô giảm do kỳ vọng sản lượng dầu của Mỹ tăng trong khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp chống Covid-19.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 128,85 điểm, tương đương giảm 0,39%, còn 32.732,95 điểm. S&P 500 giảm 0,75%, còn 3.871,98 điểm. Nasdaq trượt 1,03%, còn 10.988,15 điểm.
Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã phục hồi mạnh trong tháng 10. Dẫn đầu sự phục hồi này là Dow Jones, chỉ số với mức tăng 13,95% trong cả tháng. Đây là tháng tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ năm 1976, trong bối cảnh nhà đầu tư đặt cược rằng những công ty truyền thống hơn, như ngân hàng, sẽ dẫn đầu thời kỳ thị trường giá lên (bull) tiếp theo. S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 8% và 3,9% trong tháng này.
“Thị trường đang nghỉ ngơi một chút sau đợt tăng mạnh vào tuần trước”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của Carson Group phát biểu trên CNBC. “Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị họp và quyết định lãi suất sẽ được đưa ra vào ngày thứ Tư. Việc thị trường chững lại cũng là điều dễ hiểu”.
Thành quả tăng của chứng khoán Mỹ trong tháng 10 diễn ra bất chấp mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 có cả tốt lẫn xấu đan xen. Những kết quả này cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và tình hình kinh doanh đáng thất vọng của các công ty công nghệ lớn như Meta Platforms và Amazon. Đây cũng chính là những cổ phiếu dẫn đầu sự giảm điểm của nhóm công nghệ trong phiên ngày thứ Hai, khi nhà đầu tư dịch chuyển vốn khỏi các cổ phiếu tăng trưởng.
Thị trường đang “chuẩn bị tinh thần” cho cuộc họp của Fed bắt đầu vào ngày thứ Ba. Theo dự báo, Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm khi cuộc họp kết thúc vào ngày thứ Tư. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi một tín hiệu nào đó từ tuyên bố sau cuộc họp của Fed hay trong cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng ngân hàng trung ương này có thể tạm dừng việc tăng lãi suất hoặc giảm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai gần.
“Thông điệp ngày thứ Tư sẽ rất quan trọng đối với các kỳ vọng của thị trường trong thời gian tới”, chuyên gia Quincy Krosby của LPL Financial nói với hãng tin CNBC. “Trong cuộc trao đổi với báo chí, Chủ tịch Powell sẽ phải cân nhắc các câu trả lời của ông ấy như thể ông ấy đang bước đi trên sợi dây chính sách tiền tệ đang bị kéo căng”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,92 USD/thùng, tương đương giảm gần 1%, còn 94,85 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,69 USD/thùng, tương đương giảm hơn 1,9%, còn 86,21 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu cùng tăng trong tháng 10, với giá dầu Brent tăng gần 8,5% và giá dầu WTI tăng 8,2%. Đây là tháng tăng đầu tiên của cả hai loại dầu kể từ tháng 5.
Dầu thô giảm giá khi dữ liệu cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tăng, giữa lúc các con số từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục yếu đi dưới sức ép của các biện pháp chống Covid nghiêm ngặt.
Theo một báo cáo hàng tháng của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu của nước này tăng lên mức gần 12 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất kể từ khi Covid trở thành đại dịch. Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi các công ty dầu khí nước này dùng một phần lợi nhuận kỷ lục để đầu tư khai thác thêm nhiều dầu nhằm kéo giá xăng dầu xuống, giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình Mỹ.
Ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hoạt động của các nhà máy sụt giảm bất ngờ trong tháng 10 – theo kết quả khảo sát chính thức công bố ngày 31/10.
“Với chính sách Zero Covid của Trung Quốc, không có gì khó hiểu khi các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này liên tục giảm”, nhà quản lý quỹ Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định. “Chừng nào còn Zero Covid, chính sách đó còn đe doạ triển vọng tăng giá của dầu.
Các thành phố của Trung Quốc những ngày gần đây tăng cường các biện pháp chống dịch để ứng phó với các dịch bùng phát, khiến những tia hy vọng trước đó về sự khởi sắc nhu cầu dầu một lần nữa bị dập tắt. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm 4,3% trong 3 quý đầu năm nay, tiến tới hoàn tất năm giảm đầu tiên kể từ 2014.
Nền kinh tế khu vực Eurozone có thể đang bước vào suy thoái, với hoạt động kinh doanh trong tháng 10 ở khu vực này sụt giảm với tốc độ mạnh nhất gần 2 năm - theo một cuộc khảo sát của S&P Global. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn quyết tâm tăng lãi suất để chống lạm phát. Với chính sách này, khả năng suy thoái của Eurozone gần như chắc chắn.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nâng dự báo nhu cầu dầu trong trung hạn và dài hạn, đồng thời cho biết thế giới cần 12,1 tỷ USD vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu này, cho dù cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch vẫn tiếp tục.