Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (17/2) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số chính, khi sự “cứng đầu” của lạm phát và việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bật tăng trở lại gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Mối lo về lãi suất cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh phiên này, trong khi thị trường tiền ảo tiếp tục xu thế tăng của tuần, đưa giá Bitcoin tiến tới mốc 25.000 USD.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 129,84 điểm, tương đương tăng 0,39%, chốt ở 33.826,69 điểm. Chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue-chip đã thoát đáy của phiên nhờ cú huých từ hai cổ phiếu Amgen và United Health với mức tăng tương ứng 2,69% và 2,41%.
Tuy nhiên, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng chốt phiên trong sắc đỏ, với mức giảm tương ứng là 0,28% và 0,58%. Do giá dầu giảm, năng lượng là nhóm gây áp lực giảm lớn nhất lên S&P 500, trong đó phải kể đến cổ phiếu Devon Energy với mức giảm 4,29%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11, gây áp lực lên cả ba chỉ số ngay từ đầu phiên.
Tính cả tuần này, các chỉ số cũng có kết quả không đồng nhất. Dow Jones giảm 0,13% cả tuần, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. S&P 500 giảm 0,28%, tuần giảm thứ hai liên tiếp. Trái lại, Nasdaq tăng 0,59% trong tuần.
Giới đầu tư ở Phố Wall tiếp tục lo ngại về việc nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ chống chọi thế nào khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để chống lại tình trạng lạm phát dai dẳng. Phát biểu ngày thứ Sáu, Thống đốc Fed Michelle Bowman nói rằng còn một chặng đường dài phải đi trước khi ngân hàng trung ương Mỹ đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Tuyên bố này là sự tái khẳng định lập trường của các quan chức khác trong Fed, bao gồm Chủ tịch Fed Jerome Powell.
“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến giằng co đầy căng thẳng giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu kho bạc Mỹ”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley nhận định. Ông Hogan lý giải rằng thị trường trái phiếu đang phát tín hiệu Fed sẽ tăng lãi suất lên cao hơn trong thời gian dài hơn, thị trường cổ phiếu dường như không chấp nhận điều đó và vẫn kỳ vọng vào một cuộc hạ cánh mềm.
“Nhà đầu tư cổ phiếu muốn tin rằng Fed chỉ nâng lãi suất thêm 2 lần nữa rồi dừng”, ông Hogan nói thêm.
Loạt dữ liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ trong tháng 1 cao hơn dự báo đã gây áp lực giảm lớn lên giá cổ phiếu trong tuần này. Hôm thứ Năm, các chỉ số đã giảm hơn 1% sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 0,7% trong tháng 1, mức tăng lớn hơn dự báo. Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Ba cũng tăng mạnh hơn dự báo.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,14 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 83 USD/thùng. Tại New York, giá dầu thô WTI giao sau giảm 2,15 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 76,34 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent giảm 3,9% và giá dầu WTI giảm 4,2%.
Mối lo lãi suất tăng là nguyên nhân chính gây áp lực giảm lên giá dầu trong tuần này. Nhà đầu tư lo rằng lãi suất cao sẽ khiến nhu càu tiêu thụ dầu suy yếu. Cùng với đó, thị trường còn nhận thấy những tín hiệu về sự dồi dào của nguồn cung xăng dầu. Chưa kể, triển vọng lãi suất tăng ở Mỹ còn kéo đồng USD tăng giá, gây thêm áp lực giảm lên giá năng lượng.
“Mối lo lãi suất tăng đã quay trở lại gây ám ảnh”, chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định.
Trong một tín hiệu cho thấy nguồn cung dầu vẫn dồi dào, tờ báo Nga Vedomosti của nước này ngày thứ Sáu dẫn nguồn thạo tin nói rằng các công ty dầu lửa Nga dự báo sẽ duy trì được khối lượng xuất khẩu dầu thô như hiện nay, cho dù Chính phủ có kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu 500.000 thùng/ngày kển từ tháng 3.
Một báo cáo công bố trong tuần này cũng cho thấy lượng tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10/2 tăng thêm 16,3 triệu thùng, đạt 471,4 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021.
Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 17/2 là 760 giàn, giảm 1 giàn so với tuần trước đó, nhưng đã tăng thêm 115 giàn, tương đương tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Số giàn khoan dầu hoạt động là một chỉ báo về nguồn cung dầu trong tương lai.
Giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi một số dự báo khả quan về nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Tuần này, cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng nâng dự báo nhu cầu dầu trong năm nay, dựa trên kỳ vọng vào sự khởi sắc nhu cầu dầu của Trung Quốc.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin lúc hơn 7h sáng nay đứng ở 24.630 USD, tăng gần 3,5% so với cách đó 24 tiếng và tăng gần 14% trong 1 tuần. Trước đó, có lúc giá Bitcoin lên sát mốc 25.000 USD, cao nhất kể từ tháng 6/2022 – theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com. Cũng theo trang này, thế giới hiện có 22.567 đồng tiền kỹ thuật số, 547 sàn giao dịch tiền ảo, và tổng vốn hoá của thị trường tiền số đang ở mức xấp xỉ 1,12 nghìn tỷ USD.