Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/7), với chỉ số Dow Jones ghi nhận chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 2/2017, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ nhiều báo cáo tài chính quan trọng dự kiến được công bố trong tuần và cuộc họp của 3 ngân hàng trung ương lớn gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tín hiệu kích cầu từ Trung Quốc và mối lo nguồn cung thắt chặt đưa giá dầu tăng hơn 2%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 183,55 điểm, tương đương tăng 0,52%, chốt ở 35.411,24 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 11 liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, đạt 4.554,64 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,19%, đạt 14.058,87 điểm.
Năng lượng là nhóm cổ phiếu dẫn đầu phiên tăng này của S&P 500, với mức tăng của nhóm là 2,7%, sau khi giá dầu giao sau đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Cổ phiếu Chevron tăng gần 2% sau khi hãng dầu lửa báo cáo lợi nhuận quý 2 vượt dự báo của giới phân tích.
Xu hướng của chứng khoán Mỹ gần đây là tăng chậm nhưng xu hướng tăng được duy trì khá vững. Tuần trước, S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - tăng 0,7%, trong khi Nasdaq giảm 0,6%.
“Đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy kinh tế Mỹ đang hoặc gần rơi vào suy thoái. Chừng nào còn chưa có dấu hiệu suy thoái, tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm và nhà đầu tư tiếp tục vào tiền”, nhà quản lý danh mục Steve Eisman của công ty Neuberger Berman nhận định với hãng tin CNBC.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn thận trọng rằng tuần này có thể là một thử thách đối với xu hướng tăng điểm gần đây của thị trường, bởi đây là tuần mà nhiều doanh nghiệp lớn sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 2 và có các cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Fed được dự báo gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư. Cuộc họp báo sau đó của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ thu hút sự quan tâm của thị trường, vì nhà đầu tư tìm kiếm những dấu hiệu về lập trường của Fed về đường đi trong thời gian tới của chính sách tiền tệ. Những tín hiệu đó sẽ là căn cứ để họ đánh giá khả năng về một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ.
Khoảng 150 công ty thành viên S&P 500, chiếm khoảng 30% chỉ số, sẽ công bố báo cáo tài chính trong tuần này, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ vốn hóa lớn như Alphabet, Microsoft và Meta, cùng nhiều công ty công nghiệp và dầu lửa lớn.
Tuần này còn có báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Đây là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, nhưng được công bố sau khi Fed đã họp xong cuộc họp tháng 7.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,67 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, chốt ở 82,74 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,67 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, đạt 78,74 USD/thùng.
Đây là mức giá cao nhất của cả hai loại dầu kể từ cuối tháng 4. Tuần trước, giá dầu Brent tăng 1,5% và giá dầu WTI tăng 2,3%, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tục, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đồng minh ngoài khối gồm Nga - thường gọi là liên minh OPEC+.
Xu hướng tăng của giá dầu phản ánh “điều kiện nguồn cung thắt chặt do việc OPEC+ giảm sản lượng dầu, trong lúc nhu cầu tiêu thụ xăng và xăng máy bay mạnh hơn trong những tháng mùa hè” - một báo cáo của Citi Research nhận định.
Nhu cầu mạnh và những lo ngại về vấn đề nguồn cung đã đẩy giá xăng tương lai trên thị trường Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dữ liệu và phân tích OANDA, nhận định: “Sự phục hồi của giá dầu thô rất ấn tượng vì diễn ra trong bối cảnh kinh tế châu Âu hiện đang rất yếu, kinh tế Mỹ giảm tốc, và Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến sẽ không công bố các biện pháp kích thích lớn trong tuần này”.
Cũng giống như giá cổ phiếu, giá dầu tuần này sẽ bị ảnh hưởng bởi kết quả cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai, các nhà lãnh đạo tại cuộc họp Bộ Chính trị đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước, báo hiệu nhiều bước kích thích hơn.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Deutsche Bank nhận định nhu cầu dầu ở Trung Quốc “hiện đang vượt kỳ vọng”, điều này “giúp tạo thêm niềm tin vào khả năng Trung Quốc chiếm (2/3) tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay”.