Tham gia vào thị trường từ năm 2009, ông Trần Quang Trung, Giám đốc kinh doanh OneHousing nhận định, thời điểm 4 năm trước, thị trường bất động sản sôi động tập trung ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang. Tiếp nối sau đó là sự chuyển biến rõ rệt của các tỉnh thành lân cận Hà Nội và TP.HCM. Điều này đến từ kế hoạch phát triển đô thị ở tỉnh được phê duyệt, theo đó quy định tại các tỉnh về có bao nhiêu khu đô thị, khu dân cư… để lên đô thị loại I hay lên đô thị trực thuộc Trung Ương. Đó cũng là lý do khiến các dự án liên tục được phê duyệt, khiến thị trường tỉnh sôi động.
Nhìn nhận về thị trường địa ốc hiện tại, ông Trung cho rằng, tác động việc siết chặt room tín dụng, cộng hưởng các yếu tố như điều chỉnh vấn đề về hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động môi giới, điều kiện phát triển trái phiếu, các kênh huy động vốn đã tác động mạnh và sàng lọc chủ đầu tư.
Trong 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng gặp nhiều khó khăn, đã có doanh nghiệp phải ra đi. Thời gian tới, tác động khó khăn đến thị trường có thể sẽ tăng khi hàng lang pháp lý cho dòng bất động sản nghỉ dưỡng gặp khó khăn. Sự thay đổi về luật, quy định niên hạn chung cư, đánh thuế hay các yếu tố liên quan phân lô bán nền cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Đặc biệt, việc bỏ khung giá đất và lộ trình năm 2025 đưa bản đồ giá đất trên cả nước được dự báo sẽ làm hạn chế khiếu kiện, không thất thu tiền sử dụng đất. Song quy định này đẩy giá căn hộ và giá bất động sản sẽ bị đẩy lên.
Ông Trung dự báo, từ giờ đến cuối năm sau, hoạt động M&A sẽ diễn ra rất nhiều. Bởi thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng có tiềm lực tài chính tốt. Có chủ đầu có quỹ đất nhưng đến lúc triển khai dự án lại không còn tài chính, buộc phải bán dự án. Trải qua giai đoạn ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã khó cầm cự. Nên thời gian tới, việc mua bán, sáp nhập dự án bùng nổ. Đồng thời việc phê duyệt dự án mới sẽ là cả vấn đề, đặc biệt là TP.HCM.
Thị trường bất động sản sẽ khó lặp lại diễn biến sốt đất của thời kỳ trước. (Ảnh minh hoạ).
Vị này cho rằng, thời gian tới, các dự án nhà ở xã hội sẽ khởi động mạnh mẽ. Giá căn hộ sẽ tăng còn giá nhà ở thấp tầng sẽ chững do đã tăng quá mạnh. Tâm lý khách hàng lo ngại mua đất nền thời điểm này vẫn đang đu đỉnh. Bất động sản nghỉ dưỡng có thể sẽ tiếp tục mắc kẹt. Còn giá căn hộ sẽ bị đẩy lên cao.
Trong khi đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, nhà đầu tư đã từng chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng. Nhưng việc nới room tín dụng không giải quyết được vấn đề về vốn của thị trường. Các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn mới.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lại đưa ra góc nhìn lạc quan hơn với thị trường địa ốc. Ông kỳ vọng vào dấu hiệu và phục hồi tăng trưởng trở lại do tâm lý của người dân vẫn coi bất động sản là kênh đầu tư tích trữ an toàn. Dự báo cuối năm sang năm 2023, vị chuyên gia này nhận định thị trường có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng dần trở lại do quá trình sàng lọc. Những nhà đầu tư yếu kém, vốn mỏng, thiếu chuyên nghiệp bị đẩy khỏi cuộc chơi.
Khuyến nghị về việc đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, thời điểm này thực sự không thuận lợi cho nhà đầu tư bất động sản và chứng khoán kiếm lợi mà chỉ bảo toàn vốn. Bất động sản đang có nhiều điều chỉnh hợp lý về giá cả, chứng khoán cũng trong giai đoạn ổn định, cấu trúc lại.
Theo ông Hiển, lạm phát ở Việt Nam vẫn tăng thấp hơn so với lãi suất, tức là người gửi tiền ngân hàng vẫn thực dương nên giai đoạn này với đa số nhà đầu tư thì kênh gửi tiền tiết kiệm là an toàn, tốt nhất trong ba tháng cuối năm.