Theo khảo sát của MarketTimes, tuần qua ( từ ngày 19-22/9) giá tiêu trong nước vẫn duy trì ổn định các phiên đầu tuần, đến giữa tuần xu hướng quay đầu giảm ở một số địa phương.
Đến hôm nay (23/9), giá tiêu tại thị trường trong nước ghi nhận sự ổn định nhưng vẫn ở mức thấp do chịu áp lực từ nhiều phía.
Cụ thể, ở thị trường trong nước không có biến động so với hôm qua.
Theo đó, tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 64.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay cũng ổn định ở mức 65.000 đồng/kg.
Tại Bình Phước, giá tiêu neo quanh mốc 66.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa Vũng Tàu giá tiêu dao động 67.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 66.000 đồng/kg.
Thị trường hồ tiêu trong nước vẫn đang khá ổn định. Tuy nhiên với tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, rất có khả năng giá tiêu trong nước sẽ giảm trong thời gian tới.
Nedspice mới đây đã chốt sản lượng hồ tiêu toàn cầu ở mức 509.000 tấn vào năm 2022. Trong đó sản lượng hồ tiêu của Việt Nam ước tính sẽ giảm hơn 6% xuống còn 188.000 tấn. Sự chậm lại tiềm ẩn về mặt nhu cầu do có đủ nguồn dự trữ ở các nước tiêu thụ cũng có thể bù đắp cho mùa vụ thiếu hụt ở Việt Nam.
Trên thế giới, theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 22/9 (theo giờ địa phương), giá tiêu thế giới so với ngày 21/9 thì Tiêu đen Lampung (Indonesia) ở mức 3.878 USD/tấn, giảm 0,13%; Tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.750 USD/tấn, không đổi; Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 5.900 USD/tấn, không đổi.
Thị trường xuất khẩu hồ tiêu vẫn khá tiêu cực
Dự báo tình hình thị trường hồ tiêu trong nước và thế giới trong thời gian tới còn khá tiêu cực.
Tại cuộc họp mới đây vào ngày 22/9, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố đợt tăng lãi suất tiếp theo. Theo đó, Fed đã tăng lãi suất tiền tệ thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Giá tiêu sụt giảm liên tiếp trong vài tháng qua là do chiến sự tại Đông Âu và dịch bệnh covid-19 lây lan khiến tiêu thụ toàn cầu sụt giảm. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu lo ngại việc thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng trung ương để ngăn chặn lạm phát toàn cầu và kinh tế thế giới suy thoái sẽ khiến hàng hóa nông sản phải gánh thêm lãi suất cơ bản ở mức cao. Các nhà nhập khẩu vẫn còn chờ đợi mà chưa dám mua vào để bổ sung nguồn dự trữ đang sụt giảm đáng kể.
Hiện Thị trường Âu – Mỹ và Trung Đông đang đổ xô về Brazil để mua hàng vụ mới do chi phí logistics thấp hơn và giá cả cũng mềm hơn. Trong khi thị trường Trung Quốc vẫn còn khủng hoảng bất động sản chưa thể giải quyết lại còn thêm sự bùng phát của biến thể Omicron mới khiến Chính quyền trở lại duy trì chính sách “Zero – covid” khiến giá tiêu chưa thể khởi sắc trong ngắn hạn. Giá cà phê tăng vọt cũng góp phần đẩy giá tiêu vào thế bất lợi.
Mặt khác, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam dự kiến sẽ giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi, trong khi dự kiến sẽ ổn định ở các nước sản xuất hạt tiêu khác.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280 – 290 nghìn tấn. Trong đó có 175 nghìn tấn sản lượng, 40 nghìn tấn nhập khẩu và 80 nghìn tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang.
Trước bối cảnh trên, các chuyên gia nhận định thị trường hồ tiêu sẽ còn diễn biến tiêu cực cho đến cuối năm. Điểm sáng duy nhất hiện mong chờ ở thị trường Trung Quốc mở rộng cửa. Còn trên bình diện toàn cầu đồng USD mạnh nhất 20 năm qua đang kìm hãm giá hàng hóa nói chung, hồ tiêu nói riêng.