Giá cà phê tuần này bắt đầu có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Theo khảo sát của MarketTimes, giá cà phê tuần qua ( từ ngày 13-19/6) xu hướng biến động trái chiều, giảm các phiên đầu tuần, đến cuối tuần có tăng nhẹ.
Đến hôm nay (20/6), giá cà phê bắt đầu bước sang giai đoạn mới, mức giao dịch trong khoảng 42.300 - 42.800 đồng/kg.
Cụ thể, ở trong nước, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 42.300 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 42.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 42.700 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 42.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 42.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 42.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 42.600 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 42.600 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay đi ngang so với cùng thời điểm sáng qua. Tổng kết tuần trước, giá cà phê trong nước tăng trung bình 700 đồng/kg.
Giá cà phê tuần qua ( từ ngày 13-19/6) xu hướng biến động trái chiều.
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2022 giảm 26 USD/tấn ở mức 2.065 USD/tấn, giao tháng 9/2022 giảm 25 USD/tấn ở mức 2.079 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 giảm 4,3 cent/lb, ở mức 227,65 cent/lb, giao tháng 9/2022 giảm 4,4 cent/lb, ở mức 227,4 cent/lb.
Sự điều chỉnh lãi suất cơ bản tiền tệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới là sự kiện nổi bật và ảnh hưởng mạnh nhất đến giá cà phê thế giới tuần qua. Theo đó, Fed nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,75%; Ủy Ban Chính sách Tiền tệ (Copom) - Brazil cũng nâng lãi suất cơ bản đồng Reais thêm 0,5% lên ở mức 13,25%/năm. Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng điều chỉnh lãi suất để chung sức ngăn chặn lạm phát toàn cầu.
Thị trường cà phê còn đang chịu lực bán từ nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Brazil. Giá cà phê còn chịu ảnh hưởng tiêu cực khi tồn kho trên sàn đang tăng.
Tính chung tuần trước, thị trường London có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm tất cả 12 USD và kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 16 USD, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Trái lại, thị trường New York có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm tất cả 1,25 cent, và kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 1,40 cent, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Diễn biến khả quan nửa cuối tháng 6
Chuyên gia dự báo, giá cà phê sẽ diễn biến khả quan trong nửa cuối tháng 6 và trong quý 2, sau khi các giới đầu cơ đã qua giai đoạn đáo hạn hợp đồng quyền chọn tháng 7. Với kim ngạch xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm đã vượt 2 tỷ USD, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng ngành cà phê đang có cơ hội vượt qua con số kỷ lục 3,7 tỷ USD của năm 2012, để lần đầu tiên cán mốc 4 tỷ USD trong năm nay.
Việc sàn New York hoàn tất hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 7, sẽ bước vào ngày thông báo đầu tiên (FND) vào 22/6, tiếp đó là đến sàn London trong tuần này, điều này sẽ mở ra một giai đoạn kinh doanh mới được thị trường mặc nhiên công nhận là giai đoạn “kinh doanh thời tiết” khi nhà đầu tư thường tập trung theo dõi tin tức thời tiết sương giá mùa đông ở Brazil sẽ tác động mạnh lên các thị trường cà phê kỳ hạn thế giới.
Tuy vậy, theo đánh giá giới đầu cơ vẫn còn đứng bên ngoài để chờ xem hiệu quả tác động của việc nâng lãi suất cơ bản lần này, và những lần sắp tới để xác định xu hướng rõ ràng hơn. Hiện cà phê Robusta của Brazil đã cơ bản thu hái xong vụ mùa năm nay. Ghi nhận ban đầu, sản lượng năm nay được mùa, có thể lên tới 20 triệu bao.
Theo nhận định của WB, kinh tế thế giới có thể trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất, sau khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi lên mức 5,7% trong năm 2021. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá các mặt hàng, trong đó có dầu và ngũ cốc, tăng vọt. Báo cáo cũng nhấn mạnh xung đột cùng những tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng. Ngoài ra, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đối với nhiều nước khiến suy thoái là điều khó tránh khỏi.
Chính vì vậy, giới đầu tư tài chính đã đua nhau mua đồng USD giúp chỉ số giá trị USD trong rổ sáu đồng tiền mạnh tăng lên mức cao nhất tính từ gần 4 tuần nay đẩy đồng nội tệ Brazil xuống mức thấp.
Trong bối cảnh đó, thị trường cà phê khó cưỡng được sức ép của một thị trường khan tiền mặt và lãi suất cao. Thị trường hàng hóa phái sinh mà đặc biệt là cà phê biến chuyển quá nhanh trong thời gian gần đây. Cho nên, kinh doanh thành công trước đây không nhất thiết là sẽ thành công trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê hiện nay không nên xem xét chỉ một phía cung cầu mà còn phải theo dõi kỹ các biến động về địa chính trị như xung đột Nga-Ukraine và các yếu tố kinh tế vĩ mô, vốn rất nhạy cảm với mặt hàng cà phê.