Đồng USD tăng 2,5% kể từ mức thấp gần đây so với rổ các đồng tiền chủ chốt, và hiện đang ở gần mức cao nhất kể từ tháng Ba do sức mạnh của nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì bất chấp lãi suất tăng mạnh.
Đồng USD đang bắt đầu một đợt tăng giá mới, bất chấp dự đoán về việc đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm khỏi mức cao nhất trong nhiều thập kỷ đạt được vào năm ngoái. Điều đó thể hiện qua việc số tiền đặt cược ròng vào USD kỳ hạn tương lai trong tuần đến 30/5 đạt 12,34 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng gần 2 năm, so với mức thấp nhất 2 năm hồi đầu tháng 5/2023, theo dữ liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai.
Chỉ cách đây không lâu, các nhà quản lý quỹ trong cuộc khảo sát của BofA Global Research vẫn gọi việc bán khống đồng đô la là giao dịch "đông đúc" thứ ba trên thị trường.
Aaron Hurd, nhà quản lý cấp cao về danh mục đầu tư tiền tệ của State Street Global Advisors, cho biết đồng đô la đang "trong một quá trình chuyển đổi rất lộn xộn" và "Giai đoạn chuyển tiếp đó sẽ khá gây bực bội." Ông dự đoán đồng USD sẽ duy trì đà tăng trong thời gian rất ngắn, sau đó sẽ giảm dần trong vài năm tới.
Nhóm những người đầu cơ giá xuống lập luận rằng đồng đô la có nhiều khả năng giảm giá, vì đồng tiền này vẫn cao hơn khoảng 15% so với mức thấp nhất sau đại dịch và Cục Dự trữ Liên bang được cho là sẽ sớm chấm dứt việc tăng lãi suất – yếu tố đã giúp hỗ trợ đồng bạc xanh tăng giá.
Nhưng quan điểm của những người đầu cơ giá xuống đã vấp phải một loạt dữ liệu mạnh mẽ của Mỹ cho thấy nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi bất chấp hàng loạt các đợt tăng lãi suất của Fed nhằm làm chậm tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.
Hầu hết các nhà đầu tư tin rằng đồng đô la có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến khi dữ liệu kinh tế Mỹ yếu đi rõ rệt, cho phép Fed cắt giảm lãi suất.
Bằng chứng mới nhất về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ là dữ liệu công bố hôm thứ Sáu (2/6), khi Mỹ báo cáo mức tăng việc làm trong tháng 5 nhiều hơn so với dự kiến. Các dữ liệu khác gần đây, bao gồm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh số bán nhà mới, cũng đã khiến thị trường phải xem xét lại dự đoán Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch trên thị trường hiện đặt cược rằng lãi suất cho vay vốn - hiện nằm trong khoảng từ 5% đến 5,25% - sẽ kết thúc năm 2023 ở mức 4,988%, cao hơn mức 4,188% dự đoán vào đầu tháng 5. Việc điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu làm gia tăng sức hấp dẫn của đồng USD.
Alvise Marino, chiến lược gia của Credit Suisse, cho biết: “Sức mạnh của đồng đô la hoàn toàn liên quan đến thực tế là dữ liệu của Mỹ thực sự khá tốt”.
Các chiến lược gia của Credit Suisse gần đây cũng đặt cược vào việc đồng đô la tăng giá so với đồng euro. Đồng bạc xanh đã tăng khoảng 3% so với đồng euro trong tháng 5/2023.
Đồng đô la mạnh lên có thể là một trở ngại đối với các tài sản rủi ro vì điều đó làm thắt chặt các điều kiện tín dụng, đồng thời ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu và công ty đa quốc gia của Mỹ.
Một yếu tố phức tạp khác có khả năng cản trở xu hướng giảm giá đối với đồng đô la là đợt phát hành trái phiếu chính phủ Mỹ dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian từ nay đến cuối năm, với việc Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu nạp tiền vào kho bạc của mình ngay bây giờ khi giới hạn nợ đã được nâng lên.
Bipan Rai, người phụ trách bộ phận chiến lược ngoại hối Bắc Mỹ của CIBC cho biết có quan điểm cho rằng một lượng lớn Trái phiếu kho bạc như vậy sẽ rút thanh khoản khỏi thị trường, có khả năng tạo ra nhu cầu mua USD.
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng việc đồng đô la tiếp tục xu hướng giảm chỉ còn là vấn đề thời gian. Thực tế là USD đã giảm tới 11,5% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 9/2022.
UBS Global Wealth Management xếp đồng đô la là đồng tiền "ít được ưa thích nhất" của họ, cho biết Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024, làm giảm lợi thế về lợi suất của đồng USD so với đồng euro và các loại tiền tệ khác.
Tuần trước, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang đã chỉ ra rằng ngân hàng trung ương có khả năng bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới, vào ngày 13-14 tháng 6, đồng thời để ngỏ khả năng chi phí đi vay sẽ tăng trong tương lai.
Trong khi đó, tại châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết việc thắt chặt chính sách hơn nữa là cần thiết, một xu hướng sẽ làm suy yếu lợi thế về lợi suất của đồng đô la.
Brian Rose, nhà kinh tế cấp cao của UBS Global Wealth Management, cho biết: “Một khi Fed ngừng tăng lãi suất, thị trường sẽ tập trung nhiều hơn vào thời điểm Fed lần đầu tiên cắt giảm lãi suất, và điều đó có khả năng làm suy yếu đồng đô la”.
Ông Rai của công ty CIBC tin rằng sức mạnh kéo dài của đồng đô la sẽ nhường chỗ cho sự suy yếu khi mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn vào cuối năm nay, rằng Fed sẽ không tăng lãi suất nữa trong khi ECB có thể có nhiều việc phải làm hơn.
Ông nói: “Từ góc độ vĩ mô, tôi vẫn tin rằng đồng USD cần phải giảm giá. Nhưng câu chuyện đó có lẽ cần đợi đến nửa cuối năm nay."