Từng được mệnh danh là thành phố mộng mơ, Đà Lạt (Lâm Đồng) đang xuất hiện tình trạng bê tông hóa. Trước đó, Đà Lạt khác biệt với nhiều căn biệt thự lấp ló trong rừng thông. Các ngôi nhà nương theo địa hình đồi núi mà căn cao, căn thấp. Giờ đây, nhìn từ trên cao, nếu du khách chưa từng đặt chân đến Đà Lạt sẽ khó nhận ra sự khác biệt của nơi này với các tỉnh, thành khác.
“Đà Lạt hiện tại không phải Đà Lạt mà tôi biết. 5 năm trước, Đà Lạt trong mắt tôi là những mảng xanh đồi thông reo gió, còn bây giờ nơi đây là một thành phố sầm uất và nhộn nhịp”, du khách Hoàng Lê (TP.HCM) chia sẻ.
Chọn di chuyển xa hơn để tìm về Đà Lạt lúc xưa
Khi được hỏi về lý do chọn Đà Lạt để nghỉ dưỡng, nhiều người trẻ đều có cùng quan điểm là yêu thích không khí đặc trưng nơi đây. Không chỉ mang lại cảm giác hoài niệm, thành phố thuộc cao nguyên Lâm Viên khiến tâm hồn du khách như được chữa lành khi phóng tầm mắt chỉ toàn bóng xanh, về đêm sương mù giăng lối tạo khung cảnh hữu tình.
Từ khi Đà Lạt trở nên hút khách vào các mùa du lịch cao điểm, các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh mọc lên như nấm, người người đổ xô lên cao nguyên Lâm Viên làm du lịch, cũng có người vì yêu thích cái nắng nhẹ dịu mà quyết định “bỏ phố về rừng”. Điều này là một trong những nguyên do khiến nơi đây mất dần vẻ đẹp đặc trưng vốn có.
“Đà Lạt bây giờ không thiếu chỗ chơi. Để tìm một nơi yên bình đúng nghĩa thật sự khó. Tôi phải di chuyển thêm chục km nữa mới tìm được nơi đúng ý”, du khách Thanh Thanh (TP Nha Trang) nói.
Những người trẻ yêu thích sự bình yên, vẫn còn lưu luyến với một Đà Lạt ngập sắc xanh thường tránh khu vực trung tâm thành phố, di chuyển xa hơn ra các vùng ngoại ô hay Đơn Dương, Bảo Lộc, thậm chí lên thẳng Măng Đen (Kon Tum).
Sơn Nguyễn (ngụ Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ muốn những hàng thông xanh chứ không muốn những cột bê tông sơn xanh. Khi đến Đà Lạt du lịch, du khách này thường tìm về những đồi thông để ngắm cảnh, hít thở không khí trong lành.
"Tôi vẫn muốn đến Đà Lạt vì nơi đây vẫn còn những cảnh quan tự nhiên nhưng không có hứng thú với những công trình nhân tạo khi phải xẻ đồi, phá bỏ những mảng xanh”, nam du khách chia sẻ.
Tỷ lệ đô thị hóa cao
Mỗi năm, lượt du khách kéo đến Đà Lạt ngày một đông. Đến năm 2022, theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt thu hút 7 triệu lượt du khách, tăng 340% so với cùng kỳ năm 2021.
Với lượng khách đông, vào các đợt du lịch cao điểm, Đà Lạt luôn xảy ra tình trạng kẹt xe. Du khách check-in tại địa điểm du lịch phải xếp hàng hàng giờ. Đầu năm nay, tình trạng đông đúc tại Đà Lạt đã không còn.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Lạt, năm 2020, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của thành phố khoảng 10.500 ha, trong đó diện tích nhà kính chiếm trên 2.500 ha.
So với các năm trước đó, tỷ lệ nhà kính ở Đà Lạt đang tăng, dù đang vào mùa mưa, có những hôm nhiệt độ trên 30 độ C. Du khách Nhật Vy (ngụ Phú Yên) không còn trang bị nhiều quần áo rét khi lên Đà Lạt, thay vào đó là những bộ cánh thoải mái, mát mẻ hơn do trời nóng vào ban ngày.
Khi hay tin tỉnh Lâm Đồng thống nhất phương án sáp nhập huyện Lạc Dương, mở rộng diện tích Đà Lạt gấp 4,3 lần, bạn trẻ này quan ngại liệu tình trạng bê tông hóa được kìm hãm hay sẽ tiếp tục lan ra các vùng được mở rộng.