Khi những du khách Trung Quốc đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok vào tháng 1, họ được chào đón như những người nổi tiếng với biểu ngữ, hoa, quà và đám đông phóng viên.
Đó là thời điểm các khách sạn, hãng hàng không, công ty lữ hành và nhiều quan chức chính phủ chờ đợi từ lâu: Sự trở lại của du khách Trung Quốc - nguồn thu lớn nhất của ngành du lịch thế giới - sau gần ba năm đóng cửa vì đại dịch Covid-19.
Hua Liu, 34 tuổi, nhà thiết kế đồ họa từ Thượng Hải và là một trong những du khách đầu tiên đến Thái Lan, chia sẻ qua điện thoại: “Thật thú vị khi được đến thăm những nơi ấm áp, tuyệt đẹp một lần nữa”.
“Tôi sẽ bù đắp khoảng thời gian đã mất, ở những khách sạn đẹp, đi spa, đến những nhà hàng sang trọng và mua những món quà đẹp cho bản thân và gia đình”, cô nói.
Sự trở lại chậm chạp
Trước khi đại dịch Covid-19 làm tê liệt hoạt động du lịch quốc tế vào năm 2020, người Trung Quốc là lực lượng khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, với khoảng 150 triệu người chi 277 tỷ USD ở nước ngoài vào năm 2018, theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Thế giới và Học viện Du lịch Trung Quốc.
Làn sóng đó đã dừng lại vào năm 2020 và 2021. Song đến ngày 8/1, chính phủ Trung Quốc đã chính thức mở cửa biên giới, theo New York Times.
Nhiều chuyên gia du lịch dự đoán một làn sóng du khách Trung Quốc lớn sẽ đổ về các điểm đến ưa thích một thời. Theo báo cáo của Công ty du lịch trực tuyến Trung Quốc Ctrip, số lượt tìm kiếm chuyến bay rời Trung Quốc đại lục tăng 83% trong khoảng thời gian từ ngày 26/12/2022 đến ngày 5/1. Lượng khách đặt chuyến bay quốc tế cũng tăng 59%.
Theo số liệu của Trip.com, Bangkok (Thái Lan), Singapore và Phuket (Thái Lan) là ba điểm đến nước ngoài phổ biến với người dân Trung Quốc đại lục trong dịp Tết Nguyên Đán.
Tuy nhiên, dù các điểm du lịch lân cận đã chứng kiến cú hích mới, những địa điểm xa hơn vẫn đang chờ đợi du khách Trung Quốc.
Nguyên nhân là số ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc vẫn tăng cao. Bên cạnh đó, du khách phải đối mặt với tình trạng chậm trễ khi xin hộ chiếu, thị thực. Giá các chuyến bay quốc tế cũng tăng cao và không đủ đáp ứng nhu cầu do nhiều hãng hàng không giảm số chuyến trong thời gian nước này phong tỏa.
Trước đại dịch, mỗi ngày có hơn 700 xe buýt chở khách du lịch Trung Quốc đến công viên voi Maetaeng cách Chiang Mai khoảng một giờ về phía bắc.
Khi nghe tin Trung Quốc mở cửa biên giới, ông Borprit Chailert - người quản lý công viên - háo hức chờ đợi sự trở lại của du khách nước này, song cho đến nay chỉ có khoảng 40 du khách Trung Quốc xuất hiện.
Những người làm du lịch ở Thái Lan cho biết tình hình chưa thể cải thiện cho đến tháng 2, vì nhiều du khách Trung Quốc đến Thái Lan theo tour du lịch nhóm và Bắc Kinh chỉ cho phép các công ty lữ hành hoạt động trở lại từ ngày 6/2.
Hiện tại, chỉ những du khách Trung Quốc độc lập, đủ khả năng mua vé máy bay đắt tiền mới có thể tận hưởng các chuyến đi.
Song không phải ai cũng muốn du lịch theo tour. Ngay cả trước dịch Covid-19, các công ty du lịch ở Thái Lan và Trung Quốc đã chứng kiến xu hướng đảo ngược.
Nhiều du khách am hiểu công nghệ, thành thạo các ứng dụng đặt chỗ đã tự lên kế hoạch cho các chuyến đi, thay vì phụ thuộc vào công ty du lịch. Trong thập kỷ qua, dù tổng số khách du lịch Trung Quốc tăng, các tour du lịch theo nhóm đã giảm dần.
Nhiều khó khăn
Tại London, một điểm đến phổ biến khác của du khách Trung Quốc, hơn 300.000 người đã đến thăm khu phố Chinatown vào tuần trước trong dịp Tết Nguyên Đán, nhưng rất ít người trong số đó là du khách Trung Quốc.
Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố.
“Không có nhiều chuyến bay nên giá vé đắt hơn. Mọi người cũng cần xin thị thực để đến Anh”, Patricia Yates, Giám đốc điều hành của VisitBritain, giải thích, đồng thời cho biết thêm sự trở lại của du khách Trung Quốc sẽ khá “chậm chạp”.
Các chuyến bay khứ hồi từ Trung Quốc đến London hiện có giá khoảng 1.300 USD. Tính đến ngày 27/1, số ghế sẵn sàng phục vụ hành khách trên các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Anh chỉ bằng khoảng 8% số ghế năm 2019, theo tổ chức VisitBritain.
Trước đại dịch, Trung Quốc cũng là thị trường khách du lịch lớn nhất của Australia, chiếm gần 1/3 tổng chi tiêu du lịch của nước này. Australia đã đón hơn 1,4 triệu du khách Trung Quốc vào năm 2019 và số du khách này chi khoảng 12,4 tỷ USD, theo AP.
Hiện nay, người Trung Quốc đã bắt đầu quay trở lại Australia thăm bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia không kỳ vọng sẽ đón một lượng lớn khách du lịch giải trí trong vài tháng tới, vì giá vé đắt đỏ và Australia không nằm trong danh sách các điểm du lịch theo nhóm được Trung Quốc chấp thuận. Nước này cũng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với du khách Trung Quốc.
Trong khi nhiều nhà kinh doanh háo hức với sự trở lại của du khách Trung Quốc, một số lo ngại ngành dịch vụ này có thể không theo kịp lượng khách mới.
“Ngành công nghiệp này đã biến mất trong hai năm”, Rick Liu, Chủ sở hữu của công ty du lịch TanTan Holiday ở Melbourne, cho biết.
Ông nhận định ngành du lịch sẽ rất khó phục hồi. Nhiều tài xế và hướng dẫn viên đã tìm được công việc khác khi phải tạm dừng hoạt động và việc tuyển dụng họ trở lại có thể sẽ khó khăn.
“Tôi rất vui vì chúng tôi sẽ đón nhiều du khách hơn. Song tôi khá lo ngại liệu chúng tôi có thể phục vụ họ xứng đáng và cung cấp dịch vụ đủ chất lượng hay không”, ông chia sẻ.