Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và các hãng hàng không: Vietjet Air, Tre Việt, Pacific Airlines, Vietravel Airlines về việc xây dựng kế hoạch khai thác trở lại các đường bay đi, đến Cảng hàng không Điện Biên.
Trước đó, nhằm triển khai Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, thời gian qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị được giao là chủ đầu tư đã triển khai thực hiện các hạng mục công trình của dự án.
Để triển khai việc khai thác các đường bay đi, đến Cảng hàng không Điện Biên phù hợp với thời điểm hoạt động trở lại, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay đi, đến Cảng hàng không Điện Biên và tổ chức bán vé để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách và nhân dân.
Dự kiến, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên sẽ hoàn thành và được Bộ Giao thông vận tải cho phép đưa vào hoạt động trở lại vào ngày 02/12/2023.
Cục Hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu VATM sớm tổ chức đánh giá, trang bị thêm thiết bị điện thoại VHF theo hình thức thích hợp đảm bảo tầm phủ, khắc phục vùng không có sóng trong khu vực sân bay Điện Biên để triển khai các quy trình, thủ tục liên quan nhằm đảm bảo sẵn sàng đưa vào khai thác.
Đồng thời, khẩn trương triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng (AWOS) mới để triển khai các quy trình, thủ tục liên quan; sớm bổ sung, điều chỉnh các phương thức bay liên quan tại sân bay Điện Biên (điều chỉnh phương thức tiếp cận độ dốc tiếp cận hụt 4%, 2,5%); phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan để triển khai, thực hiện đánh giá bằng hệ thống huấn luyện bay giả định (SIM); bay đánh giá phương thức bay và rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến Cảng hàng không Điện Biên mới trong quy chế bay khu vực sân bay Điện Biên.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được mở rộng với quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321.
Đồng thời, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Dự án cũng xây dựng đường cất hạ cánh 35 - 17 kích thước 2400x45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu đường cất hạ cánh kích thước 60x100m, xây dựng đường lăn nối cách đầu 17 khoảng 500m, kết cấu bê tông xi măng, xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT I.
Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng, trong đó, tầng 1 bao gồm: khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và đến. Tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác. Dự án đã được khởi công từ tháng 1/2022, có tổng mức đầu tư 1.467,7 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV.
Cảng hàng không Điện Biên sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, phát huy giá trị của quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây chính là những tiềm năng, lợi thế lớn nhất của tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, đây sẽ là công trình có ý nghĩa rất lớn mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Điện Biên là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta. Do địa thế khu vực lòng chảo và điều kiện thời tiết vùng núi nhiều mây, trước đây, sân bay Điện Biên chỉ đáp ứng khai thác được các máy bay nhỏ như ATR-72, Embraer-190 và tương đương vào ban ngày trong điều kiện thời tiết cho phép.
Kết cấu hạ tầng chính của Cảng hàng không Điện Biên gồm: 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830mx30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm.
Do đó, việc đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để khai thác các loại máy bay A320/A321 và tương đương với hệ thống trang thiết bị, phương thức tiếp cận hạ cánh mới có ý nghĩa quan trọng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng.