Trao đổi với Zing trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ 2/9, đại diện nhiều công ty lữ hành không kỳ vọng quá nhiều vào sự bùng nổ dịp này. Từ đầu năm, du khách Việt đã trải qua nhiều dịp cao điểm du lịch nên nhu cầu đi chơi của người dân bị ảnh hưởng. Mặt khác, dịp 2/9 cũng gần với ngày học sinh tựu trường.
Lượng khách không cao
Ghi nhận tại các điểm du lịch lớn như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) hay Đà Nẵng, lượng khách du lịch đều không quá đột biến.
Phú Quốc đã tạo ra "cơn sốt du lịch" từ đầu năm nhưng cũng không duy trì được sức nóng trong dịp này. Theo ghi nhận của Zing, nhiều resort, khách sạn chỉ đạt công suất phòng khoảng 50%. Kể cả khi đặt phòng trong dịp lễ, du khách vẫn không gặp khó khăn - khác hẳn cảnh tượng "cháy phòng" trong dịp 30/4-1/5 trước đó.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, ông Bùi Quốc Thái, ngày 1-3/9, khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh này hơn 157.140 lượt (quốc tế 3.244), tăng nhẹ so với ngày thường. Trong đó, 53.391 lượt khách lưu trú tại tỉnh, công suất phòng bình quân đạt khoảng 65%.
Riêng Phú Quốc đón 85.133 lượt khách trong 3 ngày lễ (3.226 lượt khách quốc tế). Khách tham quan các khu, điểm du lịch tại Phú Quốc ngày 1-3/9 là 50.624 lượt người và lưu trú đạt 34.509 lượt.
Số khách du lịch dịp 2/9 tại Khánh Hòa cũng không quá ấn tượng. Trong dịp này, địa phương chỉ đón được 356.000 khách tham quan, nghỉ dưỡng. Số khách lưu trú gần 136.000 người.
Ghi nhận của Zing tại các điểm du lịch biển khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ như Phú Yên, Quy Nhơn (Bình Định) cũng tương tự. Lượng khách không quá ấn tượng dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra ùn tắc ở một số khu du lịch. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ cũng được giải tỏa nhanh chóng chỉ sau khoảng 30 phút.
Trái với cảnh trống phòng tại các điểm du lịch biển miền Nam, du khách đổ về các điểm du lịch miền núi phía bắc lại khá đông. Trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9, Sa Pa (Lào Cai) đón tới hơn 93.000 lượt khách, tăng khoảng 50.000 khách so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch).
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng ghi nhận tăng trưởng về lượng khách so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh đón 245.000 lượt khách, tăng hơn 34,4%. Tuy nhiên, công suất phòng cũng không quá cao. Tại khu du lịch biển Sầm Sơn, công suất phòng chỉ khoảng 57% hay khu du lịch biển Hải Tiến đạt khoảng hơn 50%. Duy nhất khu du lịch sinh thái Pù Luông đạt tỷ lệ lấp phòng 100%.
Không ngạc nhiên
Thực tế, việc các điểm đến miền núi phía bắc hút khách dịp lễ 2/9 hay điểm đến biển phía nam không quá "sốt" là xu hướng thường thấy.
Lý giải cho điều này, đại diện các đơn vị lữ hành nhấn mạnh 2/9 không phải dịp nghỉ lễ lớn để nhiều người quyết định đi chơi xa, dù thời gian nghỉ tới 4 ngày. Đa số du khách chọn các điểm đến gần, tiện di chuyển bằng xe cá nhân.
Trong khi đó, xu hướng khách du lịch miền Bắc là du lịch theo mùa, thích đi vào dịp lễ. Khách phía nam lại thường du lịch rải rác trong năm. Do đó, họ không nhất thiết phải đổ xô đi chơi trong dịp 2/9.
Các điểm đến biển có phần thất thế trong dịp này. Lý do lớn nhất có thể đến từ việc nhiều du khách đã đến những nơi này từ sau dịp Tết Âm lịch. Mặt khác, du lịch cũng vừa trải qua mùa hè sôi động ở các khu du lịch biển trên khắp cả nước. Tới dịp 2/9, nhu cầu này đã giảm bớt.
Từ giờ tới cuối năm, các điểm du lịch biển sẽ bước vào giai đoạn vắng khách. Ở miền Bắc, thời tiết chuẩn bị trở lạnh khiến việc tắm biển không còn là ưu tiên khi đi du lịch. Các vùng biển phía nam vẫn ấm áp nhưng sắp vào mùa mưa bão. Vì thế, du khách cũng đắn đo hơn trong việc lựa chọn những điểm đến này.
Chia sẻ với Zing, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho biết họ đã trải qua 2/3 năm 2022 sôi động. Lúc này, họ đang tập trung cho các sản phẩm du lịch nước ngoài và một số điểm đến trong nước như khu vực miền núi phía bắc, miền Tây sông nước... Ít nhất, phải tới dịp Tết Dương lịch 2023, du lịch Việt Nam mới có thể bùng nổ một lần nữa.