Sau cái chết của thiếu niên 17 tuổi Nahel ở Nanterrre, bạo loạn đã nổ ra tại Pháp vào hôm 27/6 và tiếp tục lan rộng các vùng khác. Nhiều khách sạn, nhà hàng ở Pháp đối mặt với tỷ lệ hủy phòng cao.
Du lịch đình trệ
Ông Thierry Marx, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà tuyển dụng thuộc ngành công nghiệp Khách sạn và Ăn uống Pháp, cho biết các khách sạn của thành viên trong nước của Hiệp hội đã phải gánh chịu làn sóng hủy đặt phòng trên toàn quốc.
Theo France 24, các quán cà phê cũng không ngoại lệ. Thậm chí, một số quán nằm tại khu vực bạo loạn bị cướp bóc, phá hoại bàn ghế, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.
Liên đoàn bán lẻ Pháp (FCD) cũng kêu gọi cảnh sát tăng cường an ninh quanh các cửa hàng.
Ông Jacques Creyssel, Giám đốc điều hành Liên đoàn này, cho biết các cuộc bạo động "đã làm nảy sinh tình trạng cảnh cướp bóc ", với "hơn một trăm cửa hàng thực phẩm hoặc phi thực phẩm vừa và lớn bị phá hoại, cướp bóc hoặc thậm chí bị đốt cháy".
Hôm 29/6, Bộ Ngoại giao Mỹ phát ra cảnh báo an ninh cho công dân nước này. Cụ thể, cơ quan này khuyến cáo người dân Mỹ tại Pháp không nên lui tới khu vực có đụng độ, tránh tụ tập nơi đông người.Công dân Mỹ ở Pháp cũng được đề nghị thường xuyên gửi tin tức cho bạn bè, người thân, cũng như cập nhật tình hình bạo loạn ở quốc gia này lên mạng xã hội.
Văn phòng Ngoại giao và Khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh cũng đưa ra thông báo tương tự.
Không đêm nào yên giấc
Đời sống nhiều người Việt sống tại Pháp cũng bị ảnh hưởng do người bạo loạn quá khích. Lê Ngọc, hơn 5 năm sống tại Pháp, đã từng nghe qua nhiều cuộc biểu tình ở khu vực khác nhưng đây là lần đầu tiên tình trạng này xảy ra ở nơi anh đang sống.
Anh Ngọc cho biết khuya 27/6, cách khu anh sống chỉ 100 m, nhiều thanh niên xuống đường bạo loạn, dùng pháo hoa bắn vào sở cảnh sát. Các tòa nhà lân cận cũng bị ảnh hưởng.
“Tôi mất ngủ cả đêm vì pháo nổ rất to và lâu. Tôi thấy có nhiều pháo được trữ sẵn và bắn liên tục một giờ đồng hồ”, anh Ngọc than thở.
Bạo loạn xảy ra suốt 5 ngày. Không đêm nào bạn trẻ này được ngủ yên giấc. Hơn nữa, vấn đề đi lại cũng trở nên khó khăn. Hệ thống tàu điện trên mặt đất ở một số nơi ngưng hoạt động do bị phá hoại.
“Ở khu vực tôi sống, chính quyền thông báo tạm ngưng tàu vào chiều tối, nên hai ngày nay tình trạng đã bớt căng thẳng hơn trước. Tuy nhiên, phương tiện di chuyển chính của tôi là tàu điện, bây giờ mọi thứ ngưng trệ, công việc, dự định trong ngày cũng bị ảnh hưởng”.
Vấn nạn bạo lực, biểu tình không phải là chủ đề mới ở nước này, nhưng “mỗi lần nhắc đến tôi vẫn vừa lo vừa sợ, vẫn chưa thể quen được dù đang ở đất nước văn minh”.
Ngoài ra, ngày thường đi làm về muộn, Ngọc vẫn có thể bình thản. Từ ngày bạo động diễn ra, bạn trẻ này phải canh giờ về nhà nhanh khi trời chưa kịp tối do các vụ bạo lực diễn ra vào ban đêm.\
Chị Hồng Loan, sống tại Pháp 2 năm, thông tin vào ban ngày, mọi hoạt động diễn ra bình thường. Phần lớn các vụ bạo loạn diễn ra vào ban đêm ở những vùng có nhiều người nhập cư và khu có nhiều tội phạm. Du khách nên tránh khu vực này để bảo vệ an toàn cho bản thân.