Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá cho biết nửa đầu năm nay, các chỉ tiêu du lịch đều tăng cao. Theo đó, tổng lượt khách du lịch đạt 7,395 triệu, tăng 151% (tăng gấp 2,51 lần) so với cùng kỳ năm 2021; đạt 74% so với kế hoạch năm 2022. Tổng thu du lịch đạt 12.919 tỷ đồng, tăng 192% (tăng gấp 2,91 lần) so với cùng kỳ 2021, đạt 72% kế hoạch năm 2022.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 1.000 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 45.000 phòng. Trong đó, có 208 khách sạn được xếp hạng 1-5 sao với 16.100 phòng; 350 căn hộ, biệt thự du lịch; 192 homestay với sức chứa trên 6.000 người.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 có gần 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn đã được tổ chức nhằm quảng bá, kích cầu, thu hút du khách đến với du lịch Thanh Hóa.
Hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh trở lại, tổng lượt khách du lịch chỉ tính riêng tháng 7 ước đạt 1.668 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế ước đạt 14,9 nghìn lượt khách), tổng thu du lịch ước đạt 3.475 tỷ đồng.
Cầu Hàm rồng, danh thắng nổi tiếng Xứ Thanh
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được hơn 9 triệu lượt du khách, tổng thu du lịch ước đạt 16.394 tỷ đồng. Ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng đến năm 2025 đón được 16 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 45.500 tỷ đồng.
Mặc dù đứng thứ 3 cả nước về số lượng du khách nhưng doanh thu từ ngành công nghiệp không khói này vẫn chưa tương xứng. Theo thống kê, mỗi du khách đến Thanh Hóa chỉ chi tiêu bình quân 1,7 triệu đồng. Đây là con số rất thấp so với nhiều tỉnh thành có dịch vụ du lịch phát triển.
Đơn cử, mỗi khách du lịch đến Khánh Hòa trung bình chi tiêu hết 5,3 triệu đồng. Con số tương tự ở thành phố Hồ Chí Minh là 4,53 triệu đồng, Lào Cai là 3,45 triệu đồng. Trung bình mỗi du khách đến Hà Nội chi khoảng 2,93 triệu đồng, Đà Nẵng là 2,41 triệu đồng, Quảng Ninh là 2,2 triệu đồng.
Bến En, Hạ Long trên núi của Xứ Thanh
Tương tự, du khách đến Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Thuận cũng có mức chi tiêu cao hơn so với du khách đến Thanh Hóa đáng kể.
Điều đó chưa thấy, chất lượng dịch vụ của ngành du lịch Thanh Hóa chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Bên cạnh đó, Thanh Hóa tuy nhiều cơ sở lưu trú nhưng những khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn 5 sao còn rất hạn chế. Chỉ có khách sạn Vinpearl tại thành phố Thanh Hóa và Quần thể FLC tại Sầm Sơn đáp ứng được tiêu chuẩn này. Các thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới như: 4Seasons, Sixsence, Hyatt, Sheraton, Marriott, Hilton, Wyndham… hoàn toàn vắng bóng. Lượng du khách quốc tế lưu trú tại Thanh Hóa chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn chưa đáp ứng được nhu cầu, hạ tầng viễn thông, kết nối truy cập chưa được thông suốt; tính bền vững chưa cao; tính thời vụ trong du lịch; tính ổn định, bền vững để thu hút nguồn lực lao động ngành du lịch chưa được đánh giá cao...
Một yếu tố nữa là khâu truyền thông, quảng bá du lịch Thanh Hóa còn thiếu, chưa được quan tâm đúng mức. Việc truyền thông quảng bá đến các thị trường quốc tế chưa được chú trọng.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, cho rằng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch, nhất là các dự án quy mô lớn đã khởi công để đưa vào hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng và sản phẩm du lịch của tỉnh. Tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa. Chú trọng ưu tiên nguồn lực cho phát triển nhân lực du lịch là chìa khóa giúp du lịch Thanh Hóa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Sắp tới đây, khi các đại dự án của Sun group, Flamingo, T&T, BRG, TNR, Sao Mai… đi vào hoạt động, hứu hẹn sẽ làm chất lượng du lịch tại Thanh Hóa có bước thay đổi mang tính đột phá về chất.