Sau khi sụt giảm mạnh mẽ vào năm 2020 vì dịch bệnh, ngành du lịch toàn cầu tăng trưởng gần 25% năm 2021, tăng thêm 22% vào 2022, theo báo cáo thường niên của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC). Năm 2019, ngành du lịch đóng góp hơn 10% GDP toàn cầu. Vào năm 2023, ngành dự kiến tạo ra hơn 9.500 tỷ USD, đạt hơn 95% so với 2019.
Triển vọng toàn cầu
Theo đó, sự phục hồi toàn cầu sẽ diễn ra vào 2024. Sự quay trở lại chậm nhưng ổn định của thị trường khách Trung Quốc là một trong những yếu tố giúp ích cho sự phục hồi. Julia Simpson, chủ tịch kiêm CEO của WTTC nói: "Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ vượt qua năm 2019".
Theo nghiên cứu, đến cuối năm 2022, các hoạt động du lịch ở 34 quốc gia, trong số 185 quốc gia được nghiên cứu, đã trở lại mức trước dịch (xét về đóng góp GDP). Hai quốc gia dẫn đầu là Mỹ và Cộng hòa Dominica. Cũng theo WTTC, ít nhất 50 quốc gia nữa sẽ phục hồi 95 - 100% so với trước dịch vào cuối năm nay.
Trong nghiên cứu, WTTC cũng chỉ ra Bắc Mỹ và châu Mỹ Latin là những khu vực sẽ phục hồi về mức trước dịch vào cuối 2023. Châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương sẽ phục hồi vào 2024, tiếp đến là quốc gia trong khu vực Caribbean năm 2025.
Còn theo số liệu từ Morning Consult, một trong những công ty công nghệ phát triển nhanh nhất Bắc Mỹ, mức độ sẵn sàng đi du lịch ở các khu vực là khác nhau. Xu hướng muốn đi tăng cao ở Hàn Quốc và Tây Âu. Khách du lịch sẽ cắt giảm chi phí đi lại hơn là hủy chuyến đi. Một trong các ví dụ là nhu cầu đi lại trong nước của người Mỹ năm nay đang hạ nhiệt, nhưng họ lại có kế hoạch du lịch nước ngoài thường xuyên hơn.
Theo báo cáo, việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19 tại Trung Quốc là một bước quan trọng và sẽ giúp phục hồi ngành du lịch toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2019, số lượng khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài là 169 triệu người, chiếm gần 1/5 tổng chi tiêu du lịch toàn cầu. Việc nối lại các tour du lịch nước ngoài từ Trung Quốc sẽ không chỉ giúp phục hồi ngành du lịch nói chung mà còn mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành nội địa và quốc tế.
Marriott, tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới, tuần này đã báo cáo lợi nhuận ròng là 757 triệu USD trong quý đầu tiên, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Trong khi đó, các chuỗi khách sạn lớn như Hilton, Hyatt và InterContinental cũng báo cáo doanh thu tăng. Theo Nikkei Asia, lợi nhuận của các chuỗi khách sạn phần lớn nhờ vào lượng đặt phòng tăng mạnh ở Trung Quốc. Các tập đoàn khách sạn lớn đều khẳng định thị trường Trung Quốc đã phục hồi hơn 90% so với năm 2019.
Goldman Sachs nhận định tín hiệu tích cực từ du lịch báo hiệu tốt cho sự phục hồi tiêu dùng và dịch vụ tại Trung Quốc trong những tháng tới, bất chấp đà tăng trưởng sản xuất yếu đi. Tổ chức tài chính này dự đoán nền kinh tế số 2 thế giới sẽ tăng trưởng GDP năm 2023 lên 6%. Số liệu từ giới chức cho thấy người dân Trung Quốc đã thực hiện 274 triệu chuyến đi trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, tăng 19% so với năm 2019. Chi tiêu của du khách cũng đạt mức 148 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 21 tỷ USD), tương đương mức trước đại dịch.
Năm 2019, ngành du lịch đã mang lại công việc cho 334 triệu người, cao nhất mọi thời đại. Năm 2023, ngành du lịch đã cung cấp hơn 300 triệu việc làm, đạt 95% so trước dịch. Đến năm 2033, WTTC dự báo lĩnh vực du lịch sẽ sử dụng khoảng 430 triệu người khắp thế giới, chiếm gần 12% lực lượng lao động toàn cầu, đóng góp 15,5 nghìn tỷ USD và chiếm 11,6% GDP toàn cầu.
Tín hiệu vui từ châu Á- Thái Bình Dương
Du lịch ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng trưởng nhanh trở lại kể từ khi khu vực này mở cửa lại biên giới cho các chuyến du lịch đường dài và khu vực. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của công ty du lịch Arival (Thái Lan), phải đến năm 2025 thì “ngành công nghiệp không khói” mới vượt qua mức đỉnh từng đạt được trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Với tiêu đề “Triển vọng trải nghiệm du lịch 2019 - 2025," nghiên cứu của Arival dự báo rằng ngành du lịch châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt doanh thu 67 tỷ USD vào năm 2024 và 75 tỷ USD vào năm 2025.
Giám đốc điều hành của Arival, ông Douglas Quinby, cho biết nhu cầu đi lại trong khu vực đang tăng nhanh khi nhiều biên giới đã được mở và khuyến khích du khách quay trở lại du lịch và chi tiêu. Lượng đặt phòng trực tuyến trên khắp châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng hơn gấp 3 lần trong giai đoạn 2019-2025 khi nhóm khách du lịch trẻ tuổi được xem là nhân tố sẽ định hình sự phục hồi của ngành du lịch. Các nền tảng trực tuyến trên toàn khu vực sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng này.
Theo ông Quinby, khách du lịch thế hệ Gen Z và Millennials khao khát trải nghiệm ở châu Á và sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ du lịch. Do đó, các nhà khai thác cần chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu du lịch mới từ nhóm du khách trẻ này, ví dụ như tổ chức tour theo nhóm nhỏ, tour mang tính khám phá và có thể đặt trước trên điện thoại di động, với những khoảnh khắc đáng giá có thể đăng trên mạng xã hội như Instagram và TikTok.
Đánh giá của Oxford Economics ước tính lượng khách du lịch trên toàn khu vực trong năm nay sẽ bằng 50% so với mức của năm 2019 và sự phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch sẽ lùi tới năm 2025 hoặc năm 2026.
Ông James Lambert, Giám đốc tư vấn kinh tế của Oxford Economics châu Á, nhận định thế giới nói chung đang ghi nhận sự phục hồi đáng kể từ đáy sâu đại dịch Covid-19, nhưng tại châu Á-Thái Bình Dương, sự phục hồi diễn ra chậm hơn. Nguyên nhân một phần vì lạm phát vẫn đang gia tăng trên toàn thế giới khiến nhiều người phải cân nhắc chi tiêu cho du lịch.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn phụ thuộc quá lớn vào khách du lịch Trung Quốc, trong khi quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn còn áp dụng nhiều thủ tục cấp thị thực và chuyến bay còn hạn chế. Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của IHG Hotels & Resorts, ông Rajit Sukumaran cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào cuối năm ngoái vẫn chưa dẫn đến sự gia tăng lớn về lượng khách đến khu vực, mặc dù những nơi như Bali (Indonesia) và một số điểm du lịch của Việt Nam sẽ sớm đón nhiều du khách hơn.
Tuy nhiên, ở châu Á, mối lo ngại về Covid-19 vẫn còn. Khoảng 30% số người được hỏi từ Philippines cho biết họ rất lo ngại về sự an toàn từ dịch bệnh này - mức cao nhất ở Đông Nam Á, theo một báo cáo được công bố tuần trước bởi công ty nghiên cứu thị trường Milieu Insight.