Theo đơn vị này, trong quý 4/2022, công suất phòng khách sạn Tp.HCM đạt 62%, tăng 4 điểm phần trăm theo quý. Trong khi đó, giá phòng trung bình đạt 1.8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 9% so với quý trước đó.
Nhìn tổng thị trường năm 2022, Savills cho rằng, công suất và giá phòng trung bình vẫn thấp hơn mức trước dịch. Công suất phòng đạt 45%, tăng 20 điểm phần trăm theo năm nhưng thấp hơn 23 điểm phần trăm so với năm 2019.
Giá phòng trung bình đạt 1.6 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 21% theo năm nhưng vẫn thấp hơn 18% so với năm 2019. Phân khúc 5 sao cải thiện đáng kể nhất với công suất thuê tăng 24 điểm phần trăm theo năm và giá phòng trung bình tăng 44% theo năm.
Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý nghiên cứu thị trường Savills Tp.HCM cho hay, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách nội địa, thị trường nghỉ dưỡng đang dần hoạt động ổn định trở lại nhờ khách quốc tế và khách công tác.
Theo Sở du lịch Tp.HCM, doanh thu du lịch và lượng khách tăng theo năm. Mặc dù Tp.HCM có lượng khách du lịch cao nhất cả nước nhưng vẫn chưa đạt ngưỡng trước dịch vào năm 2019. Năm 2022 TP đón gần 3.5 triệu lượt khách quốc tế. Tăng theo năm nhưng vẫn thấp hơn 59% so với năm 2019. Lượng khách nội địa đạt 25 triệu lượt, tăng 167% theo năm nhưng thấp hơn 5% so với năm 2019. Doanh thu du lịch năm 2022 đạt 120.000 tỉ đồng, tăng 171% theo năm nhưng thấp hơn 14% so với năm 2019. Ngành du lịch của TP phục hồi chậm do phụ thuộc vào khách quốc tế và những hạn chế đối với chính sách thị thực.
Theo Statista, doanh thu ngành khách sạn ở Đông Nam Á dự kiến phục hồi hoàn toàn vào năm 2023 khi khách Trung Quốc quay trở lại. Từ năm 2023 – 2027, doanh thu ngành khách sạn Việt Nam dự kiến tăng 7% mỗi năm và doanh thu bình quân trên mỗi khách dự kiến đạt 158 usd vào năm 2027, tăng 0,3% mỗi năm.
Theo dự báo của Savills, nguồn cung khách sạn trong tương lai hạn chế. Đến năm 2025 chỉ có 2 khách sạn Sotetsu Hotel và Macxy Hotel sẽ hoạt động. Các dự án khác đang bị hoãn hoặc chưa có tiến độ xây dựng cụ thể.