Hiện Trung Quốc vẫn chưa có chính sách cấp lại visa du lịch cho khách Việt Nam. Ở chiều hướng ngược lại, nước này chỉ mới thí điểm cho công dân du lịch theo đoàn đến 20 nước, không bao gồm Việt Nam.
Sẵn sàng chờ mở lại
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cho biết: "Việc Trung Quốc không chọn Việt Nam là một trong 20 quốc gia để nối lại các chuyến du lịch theo tour vẫn là một câu hỏi cho ngành du lịch".
Theo ông Đạt, đôi bên đều là thị trường du lịch quan trọng của nhau. Không chỉ phía Việt Nam mà nhiều đối tác Trung Quốc của công ty đều đã có kế hoạch cho lần mở cửa này.
"Tuy chưa có thông tin chính thức, một số công ty đối tác ở Trung Quốc đã sớm liên lạc với chúng tôi và giới thiệu về các dịch vụ của họ. Có thể thấy, cả hai đều khá kỳ vọng cho sự kiện này", ông Đạt nói.
Nói về việc các công ty lữ hành Trung Quốc chưa mở tour sang Việt Nam, vị này nhận định một phần là do vấn đề về thủ tục.
"Trung Quốc chưa cấp visa du lịch trở lại cho khách Việt và ngược lại. Hiện khách Trung Quốc vẫn có thể vào Việt Nam theo visa diện công tác, thăm thân hoặc di chuyển qua cửa khẩu đường bộ", ông Đạt chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cũng cho biết công ty đã buộc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình khi Việt Nam không nằm trong danh sách của Trung Quốc.
Năm nay, công ty dự kiến khách Trung Quốc sẽ chiếm đến 60% lượng khách inbound (đưa khách vào Việt Nam). Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, đơn vị này đã điều chỉnh con số còn 30-35%.
Vị này cũng nhận xét việc Trung Quốc và Việt Nam chậm nối lại các hoạt động du lịch sẽ phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế mà nước ta đặt ra cho năm nay.
Tiếp tục chờ đợi
Đại diện cả hai đơn vị đều cho biết họ đã sẵn sàng đón khách Trung Quốc trở lại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng đây là khoảng thời gian phù hợp để các doanh nghiệp du lịch trong nước kịp làm mới sản phẩm, sắp xếp lại nhân sự nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút thêm được nhóm khách chịu chi hơn.
"Sau 3 năm đóng cửa vì dịch bệnh, ngành du lịch Trung Quốc chắc chắn đã có nhiều thay đổi. Đây là thời điểm lý tưởng để các đơn vị lữ hành đánh giá lại thị trường và nhu cầu của du khách", ông Đạt khẳng định.
Bên cạnh đó, vị này cũng cho rằng việc mở cửa với Trung Quốc cũng cần tính toán và chuẩn bị kỹ càng để tránh những rủi ro không đáng có như dịch bệnh, hướng dẫn viên "chui"... làm ảnh hưởng đến tình hình du lịch trong nước.
Tuy nhiên, ông cũng đặt nhiều kỳ vọng lớn về việc cơ quan quản lý kịp thời làm việc để có thể đón khách Trung Quốc trở lại vào quý II.
Phía Vietravel cũng đề xuất giới Chính phủ nên có những chính sách kịp thời, phù hợp và xúc tiến sớm trao đổi với đại diện Trung Quốc nhằm kết nối du lịch hai nước và thu hút du khách Trung Quốc.
Vào ngày 16/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, kiến nghị việc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn.
Quyết định này không chỉ có ý nghĩa với ngành du lịch nước ta mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cả Trung Quốc khôi phục và phát triển ngành công nghiệp không khói.
Các bên đều khẳng thị trường Trung Quốc vẫn được xem là tiềm năng và góp phần quan trọng vào mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.
Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam và 4,5 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc.