CTCP Chứng khoán MB (mã MBS) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với doanh thu hoạt động đạt gần 406 tỷ đồng, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng cho vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng nguồn thu từ lãi đã giảm 14,8% so với cùng kỳ xuống còn 173,8 tỷ đồng.
Hoạt động môi giới chứng khoán cũng bị thu hẹp với doanh thu đạt 135,6 tỷ đồng, giảm 55,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, hoạt động tự doanh cũng không thật sự hiệu quả khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 44,7 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, chi phí hoạt động cũng giảm gần 49% so với cùng kỳ, xuống mức 130,5 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí lãi vay tăng nhẹ 6% lên gần 103 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, MBS lãi trước thuế 105,6 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ và là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý 3/2020. Lãi ròng cũng giảm 58% so với cùng kỳ xuống còn 72,4 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 1.958 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 660,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 10,2% so với năm 2021. Năm 2022, MBS lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 3.027 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, MBS mới thực hiện được 65% kế hoạch doanh thu và 60% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của MBS đạt 10.641 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 11.047 tỷ đồng đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay margin giảm đến hơn 3.100 tỷ đồng thời điểm cuối quý 3, xuống mức gần 3.500 tỷ đồng, thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2020.
Đáng chú ý, MBS đã bán phần lớn danh mục tự doanh cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu trong danh mục FVTPL chỉ còn hơn 148 triệu đồng vào cuối năm 2022. Trong danh mục FVTPL chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi với giá trị hơn 2.600 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2022. Với danh mục tài sản chính sẵn sàng để bán (AFS) có giá trị gần 1.391 tỷ đồng, trong đó có gần 1.173 tỷ đồng trái phiếu.