CTCP Chứng khoán VIX (mã VIX) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu hoạt động đạt 182,3 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ chủ yếu do các mảng hoạt động chính như tự doanh, cho vay và môi giới đều kém hiệu quả.
Trong kỳ, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 54% xuống 117,7 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng giảm 38% so với cùng kỳ, còn 28,3 tỷ đồng. Nghiệp vụ môi giới chứng khoán mang về 21,5 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Doanh thu bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán giảm 51,3% xuống mức 14,1 tỷ đồng.
Cùng chiều với doanh thu, chi phí hoạt động cũng giảm mạnh đến 63% so với cùng kỳ, còn 72,6 tỷ đồng. Kết quả, VIX lãi trước thuế 102,3 tỷ đồng trong quý 3, giảm 43% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 40% xuống mức 88,1 tỷ đồng.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, VIX ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 950 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 414,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 24% và 28% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 63% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của VIX đã tăng đến hơn 74% so với đầu năm lên 8.238 tỷ đồng. Trong đó, các khoản FVTPL chiếm gần 57% với giá trị hợp lý đạt 4.685 tỷ đồng, gấp gần 3 lần đầu năm nhưng chỉ tăng khoảng 300 tỷ đồng so với quý trước.
Danh mục của VIX bao gồm trái phiếu chưa niêm yết (2.941 tỷ đồng); cổ phiếu niêm yết (839 tỷ đồng); cổ phiếu chưa niêm yết (726,8 tỷ đồng); và trái phiếu niêm yết (177,9 tỷ đồng). Ngoài ra, thời điểm cuối quý 3, CTCK này còn có nhiều giao dịch đầu tư cổ phiếu, trái phiếu với các bên liên quan Tập đoàn Gelex (mã GEX).
Đáng chú ý, thời điểm 30/9, các khoản cho vay đã tăng gấp đôi so với cuối quý 2 đạt 1.409 tỷ đồng. Trong đó dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tính đến cuối quý 3 ở mức 1.383 tỷ đồng, tăng hơn 740 tỷ đồng sau quý 3. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.025 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 tổng tài sản.