Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp cùng Google đo kiểm vào năm 2019, cứ 10 đồng kiếm được nhờ video sai phạm, độc hại trên YouTube thì 5,8 đồng đến từ các video có nguồn gốc Việt Nam. Đây cũng là thời điểm Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng đầu thế giới về việc người sản xuất nội dung YouTube kiếm tiền từ các video xấu độc.
Nhiều năm qua, cơ quan quản lý và nền tảng đã triển khai nhiều biện pháp siết chặt hoạt động kiếm tiền quảng cáo thông qua nội dung xấu độc. Gần nhất, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH truyền thông MMS Việt Nam do có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo nhãn hàng vào các kênh YouTube có nội dung vi phạm pháp luật.
Thực tế cho thấy tình trạng quảng cáo gắn trong các video cổ súy bạo lực, phản động, vi phạm pháp luật… đã có chiều hướng suy giảm. Tuy nhiên, các video độc hại vẫn có đất sống khi dễ dàng lách qua khe cửa hẹp của cơ quan quản lý lẫn nền tảng để kiếm lời.
Đủ chiêu trò lách luật
Được thành lập từ tháng 4/2021, kênh YouTube Chanh Chanh hiện sở hữu 346.000 lượt theo dõi, đăng tải 426 video với hơn 156 triệu lượt xem. Đồng nghĩa trung bình mỗi video, kênh YouTube này thu hút hơn 360.000 lượt xem.
Dù giới thiệu là kênh chuyên cung cấp video giải trí ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống với mục đích mang lại tiếng cười cho mọi người, thế nhưng hầu hết video trong kênh YouTube Chanh Chanh đều là nội dung đánh nhau đậm tính bạo lực đi kèm nhiều ngôn từ văng tục.
Không ít phân cảnh những người tham gia còn cầm theo vũ khí lạnh có thể gây sát thương cao như gậy bóng chày, dao bầu, tuýp sắt, dao phóng lợn để hỗn chiến.
Ngoài ra, hình ảnh người tham gia đi xe không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định hay có những hành vi phá hoại tài sản cũng xuất hiện phổ biến ở kênh YouTube này.
Song, không phải video nào cũng được YouTube phân phối quảng cáo. Thay vào đó, chủ kênh sẽ lồng trực tiếp quảng cáo vào nội dung video. Đây được xem như một phương án để cải thiện nguồn thu trong các video cổ súy bạo lực mà YouTube không cho phép chạy quảng cáo.
Hiện kênh Chanh Chanh đang là đại diện quảng cáo cho Kwin68, một ứng dụng đánh bạc cho phép người chơi nạp và rút tiền trực tiếp qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Ngoài ra còn có 1XBET, website cá độ thể thao trực tuyến từng được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử điểm mặt trong danh sách website có dấu hiệu vi phạm pháp luật vào cuối năm 2022.
Trên thực tế, hình thức lồng quảng cáo trực tiếp trong nội dung video không hiếm. Kiên Chổi, một kênh YouTube khác có nội dung bạo lực tương tự kênh Chanh Chanh, cũng áp dụng thường xuyên hình thức quảng cáo này trong các video.
Kênh được thành lập vào tháng 11/2020 và đến nay đã đăng tải 673 video cùng 271 triệu lượt xem, tức trung bình hơn 400.000 lượt xem/video. Bên cạnh bạo lực, một số nội dung của chủ kênh còn cổ súy tự sát, ghen tuông mù quáng.
Hiện kênh Kiên Chổi đang quảng cáo một loại vitamin tăng cân không rõ nguồn gốc xuất xứ, được giới thiệu tăng cân nhanh chóng chỉ sau một liệu trình.
Dòng tiền từ quảng cáo được xem như nguồn sống của các kênh YouTube. Đây cũng không phải ngoại lệ đối với các kênh có nội dung phản động, xuyên tạc và chống phá Nhà nước.
Tiêu biểu như kênh N10TV của Trương Quốc Huy, được cơ quan công an xác nhận là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân đang lưu vong ở Mỹ, luôn gắn kèm biểu ngữ quảng cáo của các nhãn hàng hải ngoại bên trong video.
Thu lợi hàng nghìn USD
Trên thực tế, quảng cáo của một số thương hiệu lớn trong nước vẫn xuất hiện trên các kênh YouTube này, điển hình như bánh quy yến mạch Oat Krunch, ứng dụng gọi xe Gojek hay nền tảng đặt khách sạn Booking.com trong kênh Chanh Chanh.
Một kênh YouTube khác mang tên Nam Cọ có nội dung về xe phân khối lớn nhưng thường xuyên có hành vi phóng vượt quá tốc độ, quảng cáo game bài bạc trực tuyến, cũng xuất hiện quảng cáo mì Hảo Hảo của Acecook.
Theo nền tảng phân tích Social Blade, với 242 video đã đăng tải và gần 16 triệu lượt xem, kênh Nam Cọ ước tính kiếm về 103-1.700 USD/tháng từ quảng cáo.
Trong khi đó, kênh Chanh Chanh thu về 3.800-60.600 USD/tháng từ quảng cáo. Một số video có lượng view lớn có thể giúp chủ kênh kiếm 1.000-9.300 USD.
Tương tự, kênh Kiên Chổi ước tính thu lời 3.600-57.600 USD/tháng nhờ những video kích động bạo lực. Đó là chưa kể nguồn tiền từ việc quảng cáo thực phẩm chức năng trực tiếp trong video.
Trong một buổi hội thảo về quảng cáo trực tuyến do Bộ TTTT tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định nhiều nội dung xấu độc kéo theo lượng người xem lớn và theo đó là tiền quảng cáo của doanh nghiệp, nhãn hàng.
Điều này vừa không công bằng với những người làm nội dung tử tế, và kéo theo nguy cơ an toàn nhãn hiệu cho các doanh nghiệp.
Hôm 23/3, Bộ TTTT công bố Danh sách nội dung đã được xác thực trên mạng (White List) và đề xuất cho các doanh nghiệp lựa chọn quảng cáo trong danh sách này nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu.
Danh sách này trước mắt bao gồm các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam, có thông tin về người chịu trách nhiệm quản lý nội dung và tiếp được cập nhật định kỳ hàng quý hoặc đột xuất.
Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng tăng cường rà soát, sàng lọc vị trí cài đặt quảng cáo trên mạng, không để quảng cáo bị gắn vào những trang, kênh, tài khoản, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP; chấm dứt tình trạng triển khai quảng cáo tràn lan không kiểm soát, dẫn đến việc gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo, nhãn hàng chủ động xây dựng Danh sách nội dung xấu độc trên mạng của riêng đơn vị (Black List) để loại trừ quảng cáo.