Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngày 23/2 đã ban hành văn bản do Cục trưởng Nguyễn Như Cường ký, gửi các tỉnh phía Nam chỉ đạo về việc phát triển cây sầu riêng tại khu vực này.
Văn bản của Cục Trồng trọt nhấn mạnh, ở các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên đang có hiện tượng phát triển nóng cây sầu riêng. Đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sầu riêng…
Cục Trồng trọt cảnh báo việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu; dư thừa, dội chợ. Nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Do đó, cơ quan này đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tuyên truyền cho người trồng từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông.
“Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng nông dân cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng”, Cục Trồng trọt yêu cầu.
Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và giám sát chặt chẽ việc triển khai; trong đó công bố rõ ràng về những vùng lợi thế, có điều kiện phù hợp trồng sầu riêng.
Năm nay, giá sầu riêng lên cơn sốt, có lúc chạm 190.000 đồng một kg khiến nông dân đua nhau mở rộng diện tích. Hiện giá mặt hàng này đang giảm nhẹ xuống quanh 160.000 đồng mỗi kg.
Tại Tiền Giang chỉ trong vài tháng, diện tích sầu riêng đã tăng thêm gần 4.000 ha lên mức trên 20.000 ha. Tương tự, tại Long An, người dân nơi đây cũng đang ồ ạt chuyển diện tích từ lúa, mít sang trồng sầu riêng với mong muốn thu được lợi nhuận cao trong vài năm tới.
Trung Quốc hiện đang là thị trường có nhu cầu rất lớn nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này sẽ cán mốc 1 tỷ USD.