Sản phẩm được đưa vào kênh phân phối hiện đại không chỉ giúp tăng thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện được điều này chưa bao giờ dễ dàng.
Khó từ hai phía
Với diện tích 4ha trồng cây ăn trái trong nhà kính như: Dưa lê, dưa lưới, nho… đầu ra của Hợp tác xã (HTX) Ông Tám (địa chỉ tại tỉnh Đăk Nông) đang được tiêu thụ tại các đơn vị bán lẻ và thị trường các tỉnh phía Bắc. Ông Ngô Thanh Long – Phó Chủ nhiệm HTX - cho hay, HTX rất muốn đưa sản phẩm vào bán tại các hệ thống siêu thị để ổn định đầu ra, giá, nhưng điều kiện của siêu thị đưa ra HTX rất khó đáp ứng. Cụ thể, siêu thị yêu cầu sản lượng sản phẩm của HTX phải có đều để đảm bảo nguồn hàng thông suốt. Bên cạnh đó, HTX mỗi lần thu không dưới 5 tấn, nhưng siêu thị chỉ lấy khoảng hơn 5 tạ, do vậy ảnh hưởng đến vấn đề cung cấp.
Khó khăn để đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại không chỉ đến từ các nhà vườn, HTX mà còn đến từ chính các doanh nghiệp phân phối. Để có thể đưa hàng vào siêu thị, cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, phải có giấy phép hoạt động kinh doanh, cơ sở được chứng nhận đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép sơ chế, thông tin sản phẩm rõ ràng. Bên cạnh đó, nhà cung cấp phải đảm bảo nguồn cung ứng liên tục, duy trì số lượng, chất lượng ổn định...
Thực tế thấy, nông dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu theo kinh nghiệm, bán theo thời vụ, mới chỉ quan tâm tới số lượng chứ chưa chú ý nâng cao chất lượng; nhiều sản phẩm chưa có bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Chủ động phối hợp từ nhiều phía
Tại “Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022”, đại diện bộ phận thu mua của hệ thống siêu thị GO!, Big C (thuộc Central Retail Việt Nam) đã chủ động tìm đến các nhà cung cấp tại địa phương để tìm kiếm nguồn hàng và đưa các sản vật, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng cả nước. Nhiều thỏa thuận hợp tác giữa hệ thống siêu thị GO!, Big C với các doanh nghiệp, HTX tham gia sự kiện này đã được ký kết như: HTX nấm Hà Hương (sản phẩm nấm), HTX Nông nghiệp Buôn Hồ (sầu riêng), HTX cây ăn trái Krông Pắk (sầu riêng),…
Trước đó, hệ thống MM Mega Market đã làm việc với tỉnh Đăk Nông để thu mua cà chua, bơ, ớt và sau này sẽ mua thêm một số trái cây khác. MM Mega Market có kế hoạch mở trạm trung chuyển tại Đăk Nông để phục vụ tốt hơn việc thu mua nông sản địa phương. Với tỉnh Hậu Giang, MM Mega Market mua một số loại hải sản như cá thác lác, cá tra... Trên phạm vi cả nước, hệ thống siêu thị này xây dựng nhiều trạm trung chuyển để tăng cường thu mua sản phẩm của nông dân.
Rõ ràng, sự đồng hành của chính các doanh nghiệp phân phối cũng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp các sản phẩm nông sản , đặc sản của các HTX, doanh nghiệp đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, phù hợp với yêu cầu thị trường. Đây cũng là giải pháp giúp đưa nhiều hơn các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao được thu hoạch, sơ chế và đóng gói theo dây chuyền hiện đại, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP vào phân phối trên hệ thống siêu thị.
Để đưa nông sản vào siêu thị, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rất cần thiết. Bên cạnh sự đồng hành của các doanh nghiệp phân phối, địa phương cần chủ động, có giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị. Nhà sản xuất hàng nông sản cần đầu tư mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị sản phẩm.