Ảnh: Bloomberg
Bất chấp việc đẩy mạnh tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ nhiều nguồn khác nhau để thay thế các lô hàng của Nga, châu Âu vẫn cần cắt giảm rất nhiều lượng tiêu thụ khí đốt nếu muốn vượt qua được mùa đông này. Cung cấp thêm bao nhiêu cũng sẽ là không đủ và tiết kiệm mới là điều quan trọng nhất.
Số lượng chính xác về việc cắt giảm là khác nhau giữa các quốc gia, nhưng trung bình, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất mức giảm nhu cầu từ 10% -15%. Riêng Đức và một số quốc gia khác, phụ thuộc đáng kể vào khí đốt của Nga, cần phải cắt giảm tiêu thụ nhiều hơn, tới 20%.
Vào cuối tuần qua, các nước EU cũng đã nhất trí cắt giảm tiêu thụ điện bắt buộc ít nhất 5% vào các khung giờ cao điểm.
Nhiệt độ trung bình ở phía Tây Bắc Châu Âu giảm xuống dưới mức trung bình trong vòng 30 năm vào tuần trước.
Bởi vì các mục tiêu tiết kiệm này là cố định, một mùa đông ấm hơn sẽ làm cho việc tiết kiệm dễ dàng hơn nhiều, một mùa lạnh hơn chắc chắn sẽ làm mọi chuyện trở nên phức tạp. Nhưng bất kể mùa đông có khắc nghiệt như thế nào, châu Âu vẫn cần phải tiêu thụ ít khí đốt hơn so với năm 2021 và ít hơn mức trung bình trong 5 năm qua.
Dù đặt ra mục tiêu là vậy, nhưng ngay trong tuần đầu tiên khi nhiệt độ hạ thấp, nhiều nước châu Âu đã thất bại với việc tiết kiệm năng lượng.
Cụ thể, theo Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, từ ngày 19 đến ngày 25/9, các gia đình và doanh nghiệp nhỏ tại nước này đã nâng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên lên 14,5% so với mức trung bình trong 5 năm.
Lĩnh vực tư nhân chiếm khoảng 40% lượng tiêu thụ khí đốt ở Đức, chủ yếu sử dụng khí đốt để sưởi ấm. Sự gia tăng này trùng với đợt lạnh đầu tiên trong năm nay, khi nhiệt độ ở vùng Tây Bắc Âu giảm xuống dưới mức trung bình trong 30 năm. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, người Đức cần phải giảm mức tiêu thụ ít nhất 20% để tránh tình trạng thiếu khí đốt trong những tháng tới.
“Lượng khí đốt tiêu thụ của các gia đình và doanh nghiệp trong tuần qua cao hơn hẳn mức tiêu thụ bình quân của các năm trước. Số liệu này cần được xem xét một cách nghiêm túc. Nếu không tiết kiệm, chúng ta sẽ khó tránh khỏi tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông”, Klaus Muller, người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang, cảnh báo.
Theo nhà chức trách, Đức có thể vượt qua mùa Đông này với kho dự trữ được lấp đầy song vẫn phải có điều kiện để làm được điều đó.
“Thứ nhất, cần hoàn thành các dự án đã được khởi xướng để tăng nhập khẩu khí đốt. Thứ hai, cần duy trì ổn định nguồn cung khí đốt từ các nước láng giềng. Và thứ ba, phải tiết kiệm khí đốt, ngay cả khi vào mùa Đông lạnh giá hơn. Việc này phụ thuộc vào từng cá nhân”, ông Muller nhấn mạnh.
Các ngành công nghiệp ở Đức chiếm 60% lượng tiêu thụ khí đốt. Cho đến nay, các doanh nghiệp đều nỗ lực tuân thủ các yêu cầu của chính phủ và giảm mức sử dụng xuống khoảng 22% trong tháng 8. Nhu cầu cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong tháng 9, ở mức 1170 GWh/tuần.
Cơ quan Mạng lưới Liên bang cho biết họ sẽ công bố số liệu hàng tuần về tiêu thụ khí đốt ở Đức trong suốt mùa Đông.
Sắp tới, nhiệt độ sẽ giảm sâu hơn nữa và thách thức hơn nữa khả năng chịu đựng của người dân và Chính phủ các nước châu Âu. Khi dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu hiện còn rất nhỏ giọt, EU cần phải đẩy mạnh khả năng dự trữ khí đốt lên 90% để khu vực này vượt qua mùa đông một cách an toàn trong trường hợp Nga cắt khí đốt hoàn toàn.
Hiện nay, các nước châu Âu đang ra sức bù đắp cho sự suy giảm nguồn cung khí đốt Nga bằng cách mua khí đốt với giá đắt đỏ từ các nguồn khác, như LNG từ Mỹ và Qatar hay khí đốt qua đường ống từ Na Uy và Azerbaijan.
Nhu cầu khí hoá lỏng tăng cao đã đẩy giá tăng theo và dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung, tới mức mà các nước nghèo hơn ở khu vực châu Á không thể mua được.
“Sự cạnh tranh giữa các khu vực để mua LNG có thể dẫn tới căng thẳng cao hơn, vì nhu cầu gia tăng của châu Âu sẽ gây thêm áp lực đối với các khách mua khác, nhất là ở khu vực châu Á, và ngược lại, những đợt lạnh ở khu vực Đông Bắc á có thể hạn chế khả năng tiếp cận của châu Âu với LNG”, báo cáo của IEA cho hay.
Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu cũng khiến các nước châu Á không giành giật nổi một số lượng hạn chế các trạm tái hoá khí (regasification terminal) - vốn được kỳ vọng giữ vai trò lớn trong hoạt động nhập khẩu LNG của khu vực Đông Nam Á. Châu Âu đã mua 12 trạm như vậy và dự kiến mua thêm 9 trạm nữa.