Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Andre Schulte-Suedhoff (46 tuổi, sống tại Munster, Đức) - Giám đốc điều hành một nhà máy sản xuất thiết bị lọc không khí - thừa nhận rằng chính mình đã phải đứng máy trên dây chuyền sản xuất vì quá thiếu nhân công.
"Chúng tôi hiện có 200 nhân viên và muốn tuyển thêm 20 người nữa nhưng chẳng có ai đến. Vì vậy, nếu tôi không nhanh chóng đứng vào thì sẽ không có hàng để giao", ông cho biết.
Các tháng gần đây, "những nút thắt lao động" như vậy ngày càng xảy ra với nhiều doanh nghiệp tại Đức. Họ rõ ràng có thể bán thêm, nhưng không đủ người để sản xuất.
Ngày càng ít lao động
Theo một nghiên cứu từ phía chính phủ Đức, lực lượng lao động 47 triệu người của nước này đã ngừng tăng trưởng, đồng nghĩa với việc tiềm năng kinh tế gần như chấm dứt. Do đó, 2023 sẽ là năm quan trọng để đánh giá xem nền kinh tế lớn nhất EU có thể tăng trưởng tiếp hay không.
Nếu không có gì thay đổi, lực lượng lao động tại Đức sẽ thu hẹp đáng kể trong thập kỷ tới, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, gia tăng áp lực lạm phát và đặt ra nhiều thách thức đặc biệt đối với các công ty xương sống, ví dụ như Công ty Thiết bị điện Schuko.
Theo dự tính của giới chuyên gia, nguồn cung lao động tại Đức sẽ giảm 3 triệu người trong vòng 10 năm tới, trừ khi nước này nới lỏng điều kiện nhập cư. Trong khi đó, họ lại cần thêm tới 4 triệu người trong cùng khoảng thời gian.
Dù đã rất cố gắng ngăn chặn sự suy giảm nhân khẩu học bằng cách nới lỏng nhập cư và ủng hộ lao động nữ, hai chính sách này không thể thay đổi hoàn toàn cục diện nước Đức khi thế hệ bùng nổ dân số trước đó đang dần nghỉ hưu.
Hy vọng duy nhất hiện tại là người dân có thể tăng năng suất và nhờ đó thúc đẩy phát triển, nếu không thì mức tăng trưởng tổng thể khó có thể vượt 1% trong quãng đường dài phía trước.
Hiện tại, đây là quốc gia có lực cản nhân khẩu học cao nhất trong số các nước phương Tây, còn nếu tính toàn cầu thì chỉ xếp sau Nhật Bản - nơi có xã hội khép kín với tỷ lệ nữ lao động thấp và dân số già hóa nhanh.
Bất cập trong giải pháp
Theo giới chuyên gia, hai giải pháp chính cho nước này là tăng số lượng công nhân và tận dụng tối đa lực lượng hiện tại, tuy nhiên đều rất khó thực hiện.
Thứ nhất, để tăng số lượng lao động thì cần phải nới lỏng quy định nhập cư và di cư. Trên thực tế, đây cũng là cách khả thi nhất để thay đổi quỹ đạo và chính phủ nước này cũng cam kết sẽ "dốc hết sức lực để thu hút lao động tay nghề cao".
Tuy nhiên, điều khó khăn là làn sóng nhập cư từ Trung và Đông Âu sang đây đã dần chậm lại khi các quốc gia này cũng phát triển. Do đó, chính phủ Đức đang chuyển dần ưu tiên sang Ấn Độ, Philippines, Indonesia và các nước Mỹ Latinh.
Dù vậy, nhập cư vẫn là một vấn đề nguy hiểm và người dân Đức vẫn đang phải vật lộn để hòa nhập với hơn một triệu người Ukraine chuyển đến vào năm ngoái. Các trường học phải mở rộng hết công suất, nhà ở thì không đủ và người dân yêu cầu ban hành điều luật chống nhập cư.
Tương tự, đối với việc tận dụng tối đa lực lượng hiện tại, Đức đã sử dụng gần hết tài nguyên đó. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động tại nước này vẫn đều đặn tăng hơn 10% trong 30 năm qua, ngang với Mỹ và nhiều nước tiên tiến khác, do đó số người thất nghiệp chẳng còn nhiều.
Trong khi đó, một nhóm tiềm năng khác là những người trong độ tuổi nghỉ hưu thì không muốn quay lại làm việc dù chính phủ đã vận động. Hiện tại, chỉ có 9% người Đức từ 65 tuổi trở lên vẫn đi làm, chưa bằng 1/2 tỷ lệ tại Mỹ và 1/4 tại Nhật.
Tuy nhiên, ngay cả khi không thể tăng số lượng lao động thì cục diện trong tương lai vẫn có thể được thay đổi bằng cách tăng sản lượng của mỗi công nhân.
Kể từ 2015, năng suất lao động tại Đức đang dần đình trệ và chỉ tăng khoảng 2% mỗi năm, ít hơn nhiều so với con số 8% của Mỹ. Tương tự, chỉ số Kinh tế Kỹ thuật số của nước này cũng chỉ đứng thứ 13 trên 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Điều này có nghĩa là Đức vẫn còn rất nhiều dư địa và tiềm năng để thúc đẩy hiệu suất.
Dù vậy, ông Schulte-Suedhoff cho rằng dù công nghệ có tiên tiến thế nào, nền kinh tế vẫn cần những lao động lành nghề để bảo dưỡng máy móc và thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Đây mới là vấn đề cơ bản mà nước Đức cần cải thiện.
Các ngành công nghiệp chế tạo và kỹ thuật công nghệ cao từ lâu đã là trung tâm đào tạo tại đây. Do đó, ông Schulte-Suedhoff cho rằng điều chính phủ nên làm là kích thích và khuyến khích người trẻ học nghề nhiều hơn, thay vì cứ đâm đầu vào học đại học.