Chính phủ Đức ngày 21/9 nhất trí quốc hữu hoá Uniper, đồng nghĩa với việc tăng số tiền chi ra để giải cứu công ty năng lượng khổng lồ này lên 29 tỷ Euro, tương đương 28,7 tỷ USD. Động thái của Berlin diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng leo thang làm lộ rõ sự phụ thuộc của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Theo tin từ Reuters, vụ quốc hữu hoá này nâng tổng số tiền mà Chính phủ Đức bơm vào ba công ty năng lượng Uniper, Sefe và VNG - đều là ba nhà nhập khẩu khí đốt từ Nga - lên ít nhất 40 tỷ Euro.
Quốc hữu hoá Uniper, công ty Đức nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất, là động thái thứ hai chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây của Chính phủ Đức nhằm giành quyền kiểm soát lĩnh vực năng lượng của nước này, đồng thời là một phần trong chiến dịch của châu Âu phản ứng với cuộc khủng hoảng năng lượng giữa lúc mùa đông đang đến gần. Tại Pháp, Chính phủ nước này cũng đã giành quyền kiểm soát công ty năng lượng EDF.
Tuần trước, Chính phủ Đức giành quyền kiểm soát một nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của tập đoàn dầu lửa quốc doanh Nga Rosneft. Nhà máy này cung cấp 90% xăng dầu tiêu thụ ở Berlin.
Cổ phiếu Uniper “bốc hơi” 25,3% trong phiên giao dịch ngày 21/9 sau khi quyết định quốc hữu hoá được công bố. Thời gian qua, công ty này đã phải “đốt” tiền mặt để mua khí đốt thay thế khí đốt Nga do Moscow cắt giảm gần như hoàn toàn cung cấp khí đốt cho Đức. Hồi tháng 7, Chính phủ Đức đã phải tung cho Uniper một gói cứu trợ 15 tỷ Euro.
Nhưng cũng giống như với các công ty năng lượng châu Âu khác đang khốn đốn vì giá khí đốt tăng cao, gói giải cứu này không đủ để trang trải những khoản thua lỗ ngày càng nghiêm trọng của Uniper. Bằng việc quốc hữu hoá Uniper, Chính phủ Đức sẽ bơm thêm tiền mặt cho công ty này.
Như một phần trong kế hoạch quốc hữu hoá, Berlin sẽ mua lại cổ phần 56% trong Uniper từ công ty Fortum của Hà Lan với giá 500 triệu Euro, theo đó nắm cổ phần 99% trong Uniper. Cổ phiếu Fortum tăng 9,5% sau khi quyết định của Đức được công bố.
Cho đến nay, người tiêu dùng ở Đức về cơ bản được bảo vệ khỏi sự tăng giá chóng mặt của khí đốt, nhưng người tiêu dùng ở các quốc gia châu Âu khác đã phải trả mức giá năng lượng rất cao. Do nắm cổ phần đa số trong Uniper, Fortum đã phải gánh một phần thua lỗ nghiêm trọng của Uniper, dẫn tới sự bất bình trong dư luận ở Hà Lan.
“Nhà nước đang và sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ các công ty ổn định trên thị trường”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các nhà báo.
Trước đó, Đức tuyên bố sẽ xem xét đơn “cầu cứu” mà VNG gửi lên Chính phủ vào đầu tháng này đề nghị bơm tiền để công ty tránh bờ vực sụp đổ.
Ông Habeck cho biết Berlin sẽ áp một loại thuế khí đốt lên người tiêu dùng bắt đầu từ tháng 10 nhằm giúp các công ty nhập khẩu năng lượng trang trải chi phí tăng thêm từ việc tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga. Tuy nhiên, ông Habeck cũng nói rằng sau khi hoàn tất quốc hữu hoá Uniper - công việc dự kiến sẽ mất khoảng 3 tháng để hoàn tất - Chính phủ Đức sẽ phải tiến hành phân tích để xác định xem việc áp thuế đó có phù hợp với luật Đức hay không.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner nói rằng kế hoạch đánh thuế khí đốt đã hoàn tất và sẽ không có thêm đánh giá nào về vấn đề này - hoàn toàn trái ngược với tuyên bố mà ông Habeck đưa ra.
Các công ty nhập khẩu khí đốt của Đức thua lỗ trầm trọng vì không thể đẩy trực tiếp về phía người tiêu dùng phần chi phí tăng thêm do giá khí đốt tăng bùng nổ. Uniper cho biết sẽ tiếp tục kiện hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom để đòi bồi thường thiệt hại do việc gián đoạn nguồn cung khí đốt.