Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu dừng đầu tư hai dự án điện mặt trời trên đầm An Khê có vốn hơn 1.900 tỷ đồng, nơi đang xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt về Văn hóa Sa Huỳnh.
Ngày 27/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thống nhất không tiếp tục đề xuất dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương lập, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh để trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thủ tướng xem xét, phê duyệt, trước tháng 12/2022.
Ông Minh giao Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương về việc dừng đề xuất hai dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Đầm An Khê nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ). Đầm có diện tích mặt nước 347 ha, chiều dài nhất đo được 3,5 km, nơi rộng nhất khoảng 1 km. Đầm An Khê là một trong những điều kiện môi sinh quan trọng hình thành Văn hóa Sa Huỳnh.
Trước đó, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi từng thống nhất chủ trương đầu tư hai dự án điện mặt trời có quy mô gần 60 ha, công suất thiết kế 100 MWp với tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng trên đầm An Khê... Tuy nhiên, chủ trương này không được người dân và các nhà khoa học đồng thuận.
Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện bên bờ biển Sa Huỳnh, gần làng cổ Gò Cỏ có khoảng 200 mộ chum. Di tích khảo cổ đó được gọi là Dépot à Jarres Sa Huỳnh (nghĩa là kho chum Sa Huỳnh). Cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) là "ba cái nôi văn minh" xưa tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1997, quần thể di tích Sa Huỳnh (trong đó có đầm An Khê) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.