Trong trạng thái "bình thường mới" hiện nay, giá khí đốt châu Âu đang được giao dịch ở mức €45 - €50/Mwh. Đối với nhiều nhà hoạch định chính sách, những người đã chứng kiến giá cả tăng vọt lên khoảng €350 vào tháng 8 và lo sợ mất điện và nhà cửa đóng băng, thì đó là một lý do để ăn mừng. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng năng lượng chưa dừng lại ở đó.
Đối với các doanh nghiệp đã trả giá trung bình €20 cho khí đốt của họ từ năm 2010 đến năm 2020, điều này phức tạp hơn. Đối với hầu hết người dân và các ngành nghề, mức giá khí đốt hiện tại vẫn còn gây "đau đớn" mặc dù họ có thể thắt lưng buộc bụng để đối phó. Còn đối với các ngành công nghiệp sử dụng đến nhiều năng lượng như các công ty hóa chất hay nhà máy thủy tinh, giá vẫn đang tăng cao một cách đầy thảm hại.
Giá điện của Vương quốc Anh dường như đã ổn định ở mức dưới 150 bảng Anh (tương đương 180 USD)/Mwh. Nếu so với mức đỉnh vào tháng 8 và tháng 12/2022, nó đã rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên nếu so với mức trung bình của trong giai đoạn 2010 - 2020 chỉ £45, đó thật sự là bài toán đau đầu mà họ sẽ phải giải.
Với mức tăng chi phí dường như là dài hạn, thậm chí là vĩnh viễn, các công ty đang tăng giá để bảo vệ lợi nhuận của mình. Mặc dù động thái tăng giá đã diễn ra từ đầu năm 2022, tuy nhiên, giá sẽ còn dâng cao hơn vào năm 2023 khi các công ty sẽ tiến hành định giá lại vào đầu năm.
Điều này đang thúc đẩy lạm phát ở châu Âu, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ và sản xuất. Ngay cả giá lương thực cũng tăng do một số nhà kính không đủ khả năng sưởi ấm cho mùa đông, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và chi phí tăng cao hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh đang ở thế khó khăn: mặc dù tăng trưởng kinh tế đang ở mức báo động, tuy nhiên thị trường đang dự đoán các đợt tăng lãi suất tiếp theo.
BASF SE, gã khổng lồ hóa học của Đức đã tuyên bố cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy vào tuần trước. Ông Martin Brudermüller, ông chủ của BASF cho biết: “Khả năng cạnh tranh của châu Âu đang ngày càng bị ảnh hưởng. Giá năng lượng cao hiện đang đặt thêm gánh nặng lên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của chúng tôi.”
Châu Âu sẽ ra sao trong những năm tới?
Châu Âu đã vượt qua mùa đông tốt hơn nhiều so với những gì các chuyên gia đã lo sợ mặc dù thiếu đi nguồn cung từ Nga. EU cũng đã có thể nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia thân thiện như Mỹ, Qatar và không phải cạnh tranh gay gắt nhờ nhu cầu của Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Châu Âu đã sử dụng ít khí đốt hơn từ kho dự trữ so với những năm trước đây do thời tiết ấm hơn bình thường, giúp giá hạ nhiệt so với mức đỉnh.
Chỉ còn 4 tuần nữa mùa đông sẽ kết thúc, các bể chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy 61%, mức cao nhất từ trước đến nay vào thời điểm này của mùa. Trừ khi thời tiết trở nên lạnh giá bất thường, châu Âu sẽ thoát khỏi mùa đông với trữ lượng khí đốt dự trữ ít nhất là một nửa, cao hơn nhiều so với mức dự trữ 20% đến 30%. Ngoại trừ năm 2020, khi nhu cầu giảm do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa do Covid-19, châu Âu chưa bao giờ có mức dự trữ nhiều như vậy vào cuối mùa đông - mức cao trước đó là 47% vào năm 2014. Đó là những gì châu Âu có thể ăn mừng.
Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Châu Âu sẽ phải đấu tranh vào mùa đông tiếp theo bằng cách thắt lưng buộc bụng. Sau đó là khắc phục các thiệt hại kinh tế như các ngành công nghiệp cắt giảm sản xuất, bao gồm cả các sản phẩm thực phẩm - mặt hàng cực kì quan trọng.
Greg Molnar, một nhà phân tích khí đốt tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ước tính rằng 80% lượng khí đốt tiết kiệm được trong năm ngoái là do các yếu tố "phi thường".
"Theo ước tính của chúng tôi, chỉ 20% năng lượng tiết kiệm được trong năm vừa qua là do người dân thay đổi thói quen." Ngoài ra năm ngoái nguồn cung thay thế dồi dào là do nhà nhập khẩu LNG lớn nhất - Trung Quốc vắng bóng trên thị trường do các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch. Từ năm 2023, tình thế sẽ xoay chuyển.
Dù giá khí đốt đã hạ nhiệt, tuy nhiên đây vẫn là mức giá "cắt cổ" và sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty châu Âu phải đối mặt với việc mất khả năng cạnh tranh trong dài hạn và khu vực phải đối mặt với lạm phát nghiêm trọng hơn.