Trong báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu vừa phát hành, Chứng khoán HSC ước tính khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể lên đến 77,4 nghìn tỷ đồng vào cuối năm nay.
Khối lượng chậm thanh toán sẽ đạt đỉnh vào tháng 9/2023
Kể từ tháng 10 năm ngoái, đã có 43 doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn, số liệu do HNX công bố cao hơn nhưng một số doanh nghiệp phát hành đã thu xếp và thanh toán được nợ gốc, lãi.
Theo phân tích của HSC, có 110 doanh nghiệp phát hành có nguy cơ không trả được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Những trường hợp trên là mất khả năng thanh toán theo tiêu chuẩn quốc tế, cho dù nhiều doanh nghiệp phát hành trong số này chưa chính thức thông báo mất khả năng thanh toán đúng hạn.
Khối lượng trái phiếu chậm thanh toán là 43,9 nghìn tỷ đồng. Một phần trong số trái phiếu chậm thanh toán đã được tái cơ cấu giãn thời hạn trả nợ hoặc thay đổi điều kiện trái phiếu. Nếu loại bỏ số trái phiếu được tái cơ cấu này, khối lượng trái phiếu chậm thanh toán còn lại chỉ là 23,9 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 4.
Ngoài ra, khoảng 110 doanh nghiệp phát hành được xác định có mối quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán với khối lượng trái phiếu đang lưu hành là 227,6 nghìn tỷ đồng hoặc 177,1 nghìn tỷ đồng nếu không bao gồm số trái phiếu có liên quan đến các doanh nghiệp phát hành có thể tái cơ cấu trái phiếu.
Từ tháng 5 đến cuối năm nay, 20,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành đã từng chậm thanh toán sẽ đáo hạn, trong đó có 4,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu đã chậm thanh toán lãi trước đó. Tổng cộng sẽ có 57,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong thời gian trên có thể cũng sẽ chậm thanh toán, đỉnh điểm có thể sẽ rơi vào tháng 9 năm nay.
Trong kịch bản cơ sở, khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể lên đến 77,4 nghìn tỷ đồng vào cuối năm nay.
Thanh khoản sụt giảm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết
Về thanh khoản, hiện chỉ có số liệu giao dịch của trái phiếu doanh nghiệp niêm yết chiếm chưa đến 5% tổng thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù đã hồi phục hơn 7% kể từ đáy thiết lập vào cuối năm 2022 thời gian đỉnh điểm của sự hoảng loạn trên thị trường, chỉ số giá trái phiếu doanh nghiệp vẫn thấp hơn 3-4% so với mặt bằng trước khi xảy ra khủng hoảng trước tháng 10/2022 và đã giảm một chút vào cuối tháng 4.
Không quá ngạc nhiên khi thanh khoản đã giảm ngay sau khi chỉ số giá trái phiếu hồi phục. Giá trị giao dịch bình quân ngày vẫn dưới 200 tỷ đồng so với mức 300 tỷ đồng trong năm ngoái trong khi khối lượng lưu hành của trái phiếu doanh nghiệp niêm yết chỉ là 57,9 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản giảm ở tất cả các trái phiếu, bao gồm trái phiếu có thanh khoản và xếp hạng cao nhất như trái phiếu MSN và VIC.
Thanh khoản trái phiếu MSN trong năm 2023 tương đối thấp, chỉ khoảng 35 tỷ đồng/ngày và đã giảm còn 15 tỷ đồng/ngày vào nửa cuối tháng 4. Điều này có thể do ảnh hưởng của mặt bằng tiền gửi tại các NHTM ở mức cao, khiến cho việc đầu tư vào kênh trái phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn. Trái phiếu MSN có giá cao hơn mệnh giá kể từ cuối tháng 2.
Trái phiếu có thanh khoản cao thứ 2 là trái phiếu VIC. Và thanh khoản của trái phiếu VIC cũng giảm với giá trị giao dịch bình quân ngày trong năm 2023 chỉ đạt 27 tỷ đồng so với 36 tỷ đồng trong năm 2022 không bao gồm 2 tuần trong tháng 7/2022 với giá trị giao dịch cao bất thường. Tuy nhiên, giá trái phiếu đã hồi phục về mệnh giá.
Trái phiếu NVL được chú ý nhiều nhất với giá trị giao dịch không đáng kể và giá biến động rất mạnh.
Nói chung, hiện trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi cao và số trường hợp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu đang tăng lên. Mặc dù vậy, ở mức bình quân, trái phiếu vẫn được giao dịch ở mệnh giá.