Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/9 cam kết sẽ có phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ đối với bất kỳ sự gián đoạn có chủ đích nào nhằm vào hạ tầng năng lượng của khối. Tuyên bố này được đưa ra trong lúc EU nghi ngờ có hành vi phá hoại gây rò rỉ hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2.
Giá khí đốt tại thị trường châu Âu có thêm một phiên tăng mạnh, khi nhà đầu tư lo ngại về vụ rò rỉ và tuyên bố của EU nói rằng việc áp trần giá khí đốt là khó thực thi và có khả năng Nga sẽ cắt nốt nguồn cung khí đốt đi qua Ukraine.
Nord Stream 1 có thể hỏng hoàn toàn
Tình trạng rò rỉ khí đốt từ hai đường ống Nord Stream 1 và 2 trên biển Baltic đã bước sang ngày thứ ba kể từ khi được phát hiện. Tuy nhiên, các bên liên quan vẫn chưa tìm ra được “thủ phạm” của hành vi bị nghi là “cố tình phá hoại” khiến cả hai đường ống bị rò. Không chỉ châu Âu, Nga cũng nói rằng họ nghi ngờ đường ống bị phá hoại một cách có chủ đích, nhưng chưa đưa ra được một cái tên nào.
“Bất kỳ sự gián đoạn có chủ đích nào nhằm vào hạ tầng năng lượng của châu Âu cũng là điều không thể chấp nhận được và sẽ bị đáp trả bằng phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ và đoàn kết”, ông Josep Borrell - quan chức phụ trách đối ngoại của EU - phát biểu.
Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ tiết lộ rằng Washington nhận thấy còn quá sớm để kết luận việc đường ống Nord Stream 1 và 2 bị rò rỉ là do phá hoại. “Chưa thể kết luận điều gì”, vị này nói và khi được hỏi liệu Mỹ có tham gia vào vấn đề này, ông đáp: “Chắc chắc là không”.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ nhóm họp vào ngày thứ Sáu theo đề nghị của Nga để thảo luận về vụ rò rỉ đường ống. Đại sứ quán Nga ở Đan Mạch nói bất kỳ hành vi phá hoại nào nhằm vào Nord Stream đều là tấn công nhằm vào an ninh năng lượng của Nga và châu Âu.
Ông Jens Schumann, Giám đốc điều hành công ty mạng lưới đường ống khí đốt Đức Gasunie Deutschland, nói ông “tương đối lạc quan” rằng những vị trí rò rỉ trên hai đường ống khổng lồ sẽ được khắc phục.
Tuy nhiên, các cơ quan an ninh của Đức lo ngại rằng Nord Stream 1 sẽ bị hỏng hoàn toàn nếu một lượng lớn nước biển tràn vào bên trong đường ống và gây han rỉ - tờ báo Đức Tagesspiegel dẫn nguồn tin từ Chính phủ nước này cho biết.
Sự cố rò rỉ tại Nord Stream 1 và 2 đã dập tắt những tia hy vọng cuối cùng về việc Nga sẽ nối lại cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Nord Stream 1 trong mùa đông này. Dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 đã dừng vô thời hạn từ cuối tháng 8. Nord Stream 2 thì chưa bao giờ được đưa vào hoạt động thương mại, dù đã hoàn thiện, do xung đột giữa Nga với châu Âu liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine.
Giới phân tích cho rằng đáng lo ngại hơn là cảnh báo mới đây từ hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom rằng việc cung cấp khí đốt cho các nước Tây Âu qua đường ống đi qua Ukraine có thể bị cắt vì Nga có thể trừng phạt công ty khí đốt Ukraine Naftogaz do mâu thuẫn về vấn đề thanh toán.
Ngày 28/9, CEO của Naftogaz nói rằng công ty này sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục kiện Nga lên toà án trọng tài. Trước đó trong tuần này, Gazprom phủ nhận tất cả các cáo buộc của Naftogaz và sẽ áp trừng phạt lên Naftogaz nếu đối tác Ukraine tiếp tục vụ kiện.
EC: Trần giá khí đốt không khả thi
Giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, tiếp tục tăng mạnh trong phiên ngày thứ Tư. Chốt phiên, giá tăng hơn 11%, lên hơn 207 Euro/kilowatt giờ.
Dù đã giảm hơn 40% trong vòng 1 tháng trở lại đây nhờ dự trữ khí đốt của châu Âu được làm đầy nhanh, giá khí đốt trong khu vực hiện vẫn tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái do cuộc khủng hoảng năng lượng.
Cùng ngày 28/9, Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh báo các nước EU rằng việc áp trần giá khí đốt trên diện rộng là một việc rất khó thực thi và đặt ra rủi ro đối với an ninh năng lượng. Lời cảnh báo được đưa ra giữa lúc các nước EU kêu gọi Brussels vào cuộc để kiềm chế giá năng lượng leo thang.
Tuần này, 15 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã hối thúc khối áp trần giá khí đốt. EC ngày 28/9 đưa ra một tài liệu phân tích nhiều lựa chọn khác nhau mà cơ quan này đang cân nhắc nhằm hãm đà tăng của giá khí đốt.
Trong tài liệu này, EC nói rằng việc áp trần giá khí đốt bán buôn, đối với cả khí hoá lỏng và khí đường ống có thể gây gián đoạn dòng chảy khí đốt giữa các nước EU. Đó là bởi tín hiệu giá cả sẽ không còn giúp ích cho việc hướng dòng chảy khí đốt tới những nơi có nhu cầu cao hoặc nguồn cung khan hiếm. Theo EC, cơ chế trần giá như vậy chỉ có thể phát huy tác dụng nếu một cơ quan mới được thành lập để phân bổ khí đốt giữa các nước thành viên.
Cũng theo tài liệu trên, các nước EU sẽ cần “nguồn lực tài chính lớn” để đảm bảo các nước thành viên tiếp tục “hút” được nguồn cung khí đốt trên thị trường quốc tế vốn đang có mức độ cạnh tranh lớn, nơi khách mua sẵn sàng trả giá cao để có được khí đốt.
EC cũng phân tích các lựa chọn khác để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, chẳng hạn áp trần giá khí đốt trên diện hẹp hơn, như áp trần giá khí đốt nhập khẩu từ Nga, hay trần giá đối với khí đốt dùng để phát điện…