Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bà Christine Lagarde vừa cho biết ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất mạnh hơn nữa trong "vài cuộc họp tiếp theo" nhằm giảm lạm phát vốn đang ở mức cao kỷ lục tại châu Âu.
Trong tháng 8 vừa qua, lạm phát tại Liên minh châu Âu (EU) đã lên đến 10,1% và lạm phát tại Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt mức kỷ lục 9,1%, tăng đáng kể so với mức tăng lạm phát trong tháng 7 trước đó. Các quốc gia tại khu vực Baltic là Estonia, Latvia, Litva là những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất, vượt 20%. Giới phân tích dự báo lạm phát trong tháng 9 này của khu vực Eurozone sẽ lập kỷ lục mới, lên 9,7%.
Phát biểu tại buổi điều trần của Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ của Nghị viện Châu Âu, bà Christine Lagarde cho biết áp lực tăng giá đang lan rộng trên nhiều lĩnh vực hơn, một phần do tác động của chi phí năng lượng cao trên toàn bộ nền kinh tế châu Âu. Theo bà Christine Lagarde, những đợt tăng lãi suất sẽ giúp giảm nhu cầu và điều này về mặt lý thuyết sẽ kìm hãm đà tăng nóng của giá cả các loại hàng hoá.
Chủ tịch ECB cũng cho biết lãi suất ở mức cao hơn sẽ “đề phòng nguy cơ kỳ vọng lạm phát tăng liên tục”. Các dự báo của ECB về lạm phát tại khu vực Eurozone đã được điều chỉnh tăng đáng kể trong thời vừa qua, lên mức 8,1% vào năm 2022, 5,5% vào năm 2023 và 2,3% vào năm 2024.
Đầu tháng 9 này, ECB đã quyết định nâng cả ba loại lãi suất điều hành chính thêm 75 điểm phần trăm - mức tăng lãi suất cao nhất kể từ khi khu vực Eurozone được hình thành. Trong đó, lãi suất tiền gửi qua đêm tại khu vực Eurozone đã tăng từ mức 0% lên 0,75%. Trước đó, lãi suất này ở mức âm cho đến tận cuối tháng 7 khi ECB bắt đầu hành động để kiềm chế lạm phát.
Bà Christine Lagarde nhấn mạnh “Kỳ vọng lạm phát đang tăng lên, phản ánh mạnh mẽ rủi ro xảy ra những đứt gãy nghiêm trọng đối với nguồn cung năng lượng trong thời gian tới.” Chủ tịch ECB cũng đề cập đến sự mất giá mạnh của đồng Euro (EUR) so với đồng USD khi giới đầu tư mất niềm tin vào triển vọng kinh tế khu vực châu Âu đang làm gia tăng thêm áp lực kiểm soát lạm phát tại Eurozone.
Đồng thời, bà Christine Lagarde nhận định tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone sẽ chậm lại “đáng kể” trong những quý tới do áp lực lạm phát, ECB và hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất khiến người tiêu dùng phải kiềm chế chi tiêu. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tiền lương mặc dù đã được kiềm chế ở thời điểm hiện tại, nhưng có thể tăng tốc trong thời gian tới để đuổi theo giá cả hàng hoá, dịch vụ ở mức cao hơn. Cuối cùng, sự không chắc chắn về triển vọng của khu vực Eurozone vẫn đang ở mức cao khi niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp tại đây sụt giảm đáng kể.
Trong ngày 26/9, một cuộc khảo sát định kỳ cho thấy tâm lý kinh doanh tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Một số nhà phân tích nhận định ECB vẫn đang chậm nếu so với nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trong “cuộc đua” tăng lãi suất để chống lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Bởi vậy, giới phân tích cho rằng việc ECB áp dụng bước nhảy lãi suất lớn là một nỗ lực nhằm bắt kịp các ngân hàng trung ương khác.
Trong báo cáo kinh tế toàn cầu mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo Đức sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trong năm sau khi tăng trưởng của nước này sẽ ở mức -0,7%, giảm 2,4% so với dự báo gần nhất. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone trong năm 2023 sẽ chỉ ở mức 0,3%, giảm mạnh so với dự báo tăng 1,6% được đưa ra hồi tháng 6.