EIA ước tính công suất khai thác dầu dự phòng tại các quốc gia không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) đã giảm tới 80%, từ mức 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2021 xuống còn 0,28 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2022. Nguyên nhân chủ yếu do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga đã khiến hoạt động khai thác dầu thô của nước này gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 5/2021, khoảng 60% tổng công suất khai thác dự phòng của các quốc gia ngoài khối OPEC là đến từ Nga.
Trong khi đó, công suất khai thác dầu dự phòng của khối OPEC đã giảm gần 45%, từ 5,4 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2021 xuống còn 3 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2022. Công suất dự phòng là phần công suất khai thác có thể đưa vào sử dụng ngay trong vòng 30 ngày và duy trì trong ít nhất 90 ngày để đáp ứng các nhu cầu thị trường gia tăng đột biến.
Sự sụt giảm mạnh của công suất khai thác dầu thô dự phòng trên toàn cầu đồng nghĩa với việc sản lượng khai thác dầu thô khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới và thị trường thiếu đi “bộ đệm” cần thiết để đối phó với bất kỳ cú sốc nhu cầu nào, khiến giá dầu thô dễ biến động mạnh.
Dữ liệu cho thấy sản lượng khai thác dầu thô thực tế của liên minh OPEC+ trong tháng 5 thấp hơn mục tiêu khai thác đến 2,695 triệu thùng dầu/ngày. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích đã ngay lập tức cảnh báo liên minh OPEC+ sẽ khó đạt được mục tiêu nâng thêm sản lượng khai thác trong tháng 7 và tháng 8 tới đây khi phần công suất khai thác dự phòng của các quốc gia thành viên ngày càng cạn kiệt và hiệu quả khai thác suy giảm.
Trong ngày 10/6, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ông Suhail Al-Mazrouei cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác theo đúng kế hoạch đề ra, kết hợp với sự phục hồi nhu cầu sư dụng dầu thô của Trung Quốc trong thời gian tới có thể khiến giá dầu thô xác lập đỉnh giá mới. UAE là một trong những quốc gia khai thác dầu thô chủ chốt của khối OPEC.
"Với mức nhu cầu sử dụng dầu thô hiện giờ, chúng ta vẫn còn xa ngưỡng giá kỷ lục, bởi Trung Quốc thậm chí còn chưa tái mở cửa nền kinh tế", ông Suhail Al-Mazrouei cảnh báo.
Trong liên minh OPEC+, hiện chỉ có Saudi Arabia và UAE còn phần công suất dự phòng đủ lớn để nâng sản lượng thêm. Nhiều quốc gia trong khối này đã chạm đến giới hạn năng lực khai thác trong ngắn hạn. Hiện thị trường dầu mỏ tập trung quan sát phiên họp của liên minh OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 29/6 nhằm đưa ra chính sách khai thác cho thời gian tới.