Cô Elizabeth Holmes, cựu nữ doanh nhân xây dựng nên startup Theranos với tổng giá trị 9 tỷ USD để rồi hóa ra là một cú lừa, mới đây đã bị tòa tuyên án hơn 11 năm tù.
Theo hãng tin Bloomberg, phán quyết của tòa án bang California-Mỹ vẫn thấp hơn mức đề nghị 15 năm tù của Viện công tố nhưng cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng của bên bị cáo là quản thúc tại nhà hoặc 18 tháng tù giam.
Phán quyết trên của tòa án đã chấm dứt chặng đường dài của vụ án làm chấn động thung lũng Silicon, tạo cảm hứng cho các cuốn tiểu thuyết, truyền hình, phim ảnh về một nữ cường nhân bỏ học đại học Stanford để trở thành ngôi sao trong làng khởi nghiệp, thế rồi mọi thứ bất chợt đổ vỡ khi công nghệ xét nghiệm máu mà cô phát triển hóa ra lại là một trò lừa.
Phía luật sư của Holmes đã đề nghị cho cô được tại ngoại trong thời gian kháng cáo, tuy nhiên phía tòa án vẫn chưa có quyết định chính thức. Mặc dù Thẩm phán yêu cầu Holmes phải trình diện với nhà tù vào tháng 4/2023 nhưng cụ thể là nhà tù nào thì chưa có thông báo chi tiết.
Xuất hiện trước phiên tòa trong bộ đồ đen và đang mang bầu, hãng tin Bloomberg cho hay cô Holmes có vẻ không bất ngờ với phán quyết của tòa án. Trước khi tòa tuyên án, cô Holmes đã khóc và xin lỗi trước tòa với những nạn nhân, nhà đầu tư, đồng thời chịu trách nhiệm toàn bộ cho vụ Theranos. Thế nhưng, cô Holmes không hề thừa nhận hành vi phạm tội nào của mình.
“Tôi thật sự suy sụp về những thất bại của bản thân. Nhìn lại quá khứ, đáng lẽ tôi đã có thể thay đổi nhiều thứ nếu có cơ hội. Tôi đã quá vội vàng để hiện thực hóa giấc mơ của mình”, cô Holmes cho biết.
Phía Thẩm phán cho biết cô Holmes là một người thông minh và đã thành công trong một ngành công nghiệp vị thống trị bởi nam giới. Dù việc thất bại ở Thung lũng Silicon không phải điều hiếm nhưng hành vi gian lận của cô Holmes lại được xây dựng dựa trên sự xuyên tạc, ngạo mạn và dối trá.
Răn đe
Vào tháng 1/2022, bồi thẩm đoàn đã kết tội Holmes với 4 tội danh bao gồm lừa đảo sau khi các công tố viên trình những bằng chứng cho thấy nhà khởi nghiệp này đã biết công nghệ xét nghiệm máu mà mình đem đi trưng bày để gọi vốn từ nhà đầu tư trên thực tế không hoạt động. Khung tội danh cao nhất cho trường hợp của Holmes có thể lên đến 20 năm.
Phía chính phủ yêu cầu Holmes thanh toán 800 triệu USD cho những nhà đầu tư mất tiền vào Theranos, trong khi phía luật sư của bị cáo tính toán con số thiệt hại chỉ vào khoảng 121 triệu USD. Tất nhiên, luật sư của Holmes cho biết tài sản của thân chủ không đủ để thanh toán những khoản bồi thường trên, điều mà phía công tố không đồng ý khi nhận định vị nữ doanh nhân “lừa đảo” này vẫn đủ khả năng thanh toán các chi phí luật pháp lên đến hơn 30 triệu USD của mình.
Phán quyết vụ của Holmes so với những vụ lừa đảo cổ cồn trắng khác
Trong phiên tòa gần nhất, cả phía luật sư lẫn công tố viên đã tranh luận xem nên tăng hay giảm bản án cho Holmes. Phía luật sư cho biết không nên xem xét những tội danh mà Holmes được chứng minh là vô tội, trong khi phía công tố thì cho rằng nên có bản án nặng tay khi hành vi của Holmes cho thấy sự liều lĩnh và coi thường nhân mạng các bệnh nhân.
Cụ thể, các công tố viên lập luận rằng một bản án nặng là hợp lý nhằm răn đe hành vi lừa đảo, nơi xu thế các nhà khởi nghiệp tự huyễn hoặc chính bản thân mình (Fake it until you make it) để đi lừa đảo nhà đầu tư đang ngày càng phổ biến.
Phía luật sư thì cho rằng Holmes không phải kẻ lừa đảo mà chính các phương tiện truyền thông đã tạo nên sự lầm tưởng đó và cô xứng đáng được khoan hồng.
Trong phiên tòa, Holmes đã nói trong nước mắt về quá khứ bị cưỡng bức khi còn là sinh viên trường đại học Stanford. Cô đã bị chuốc say trong một buổi tiệc năm 2003 và bị nhóm bạn chơi chung quấy rối.
Thế rồi nhiều năm trời bị lạm dụng tình dục cả về tinh thần lẫn thể xác bởi bạn trai cũ Ramesh “Sunny” Balwani, đồng thời cũng là trợ thủ đắc lực của cô tại Theranos.
Phía luật sư cũng cho biết những chỉ trích từ phía truyền thông đã là hình phạt thích đáng về tinh thần cho Holmes, thế nhưng phía công tố viên cho rằng đây chỉ là những chiêu trò nhằm thoát tội của bị cáo.