Theo tin từ CNBC, tỷ phú Elon Musk đã chính thức tiếp quản Twitter sau khi hoàn tất thương vụ mua lại mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD.
Trước đó, tỷ phú này từng có ý định từ bỏ thương vụ nhưng đã đổi ý do gặp phải thách thức pháp lý. Ông có thời hạn tới ngày 28/10 để hoàn tất thương vụ này hoặc phải đối diện cuộc chiến pháp lý với Twitter.
Ngay sau khi tiếp quản, ông Musk, hiện là CEO hãng xe điện Tesla, đã bắt đầu cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo của Twitter.
Theo nguồn tin giấu tên của CNBC, CEO của Twitter, ông Parag Agrawal, là một trong 4 giám đốc bị sa thải. Những người còn lại gồm Giám đốc tài chính Ned Segal, Giám đốc Pháp chế và Chính sách Vijaya Gadde và Tổng cố vấn Sean Edgett.
Ông Agrawal trở thành CEO của Twitter vào tháng 11 năm ngoái, khi người đồng sáng lập công ty, Jack Dorsey, bất ngờ từ chức. Trước đó, ông đã gắn bó với Twitter trong gần một thập kỷ với vị trí gần nhất trước khi được bổ nhiệm làm CEO là giám đốc công nghệ.
Tuy nhiên, hành trình lãnh đạo Twitter của ông nhanh chóng bị xáo trộn khi ông Musk trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty hồi tháng 4 và tiếp đến là thâu tóm toàn bộ công ty với thương vụ 44 tỷ USD.
Sau khi ông Musk xuất hiện, rõ ràng ông Agrawal khó có thể tiếp tục công việc của mình. “Tôi không tin tưởng vào ban lãnh đạo Twitter”, ông Musk nói trong một tài liệu sớm gửi cơ quan chức năng về thỏa thuận.
Căng thẳng giữa ông Musk và ông Agrawal bắt đầu từ những ngày đầu thảo luận về thương vụ và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Cựu CEO Twitter, ông Jack Dorsey, một người bạn lâu năm của ông Musk, đã cố gắng hòa giải hai người nhưng không thành công.
“Ít nhất một điều rõ ràng rằng hai người không thể làm việc với nhau”, ông Dorsey nói với Musk sau một cuộc gọi nhóm giữa ba người. “Điều này quá rõ ràng”.
Tuy nhiên, ông Agrawal sẽ không ra đi tay trắng. Theo thỏa thuận, vị CEO này sẽ được bán toàn bộ số quyền chọn cổ phiếu thưởng chưa thực hiện của mình. Theo ước tính của công ty nghiên cứu Equilar, việc này đồng nghĩa ông sẽ bỏ túi khoảng 42 triệu USD.
Về phía Giám đốc Pháp chế và Chính sách, bà Gadde là người đã giám sát việc xây dựng và thực thi các quy tắc cho hàng trăm triệu người dùng trên nền tảng Twitter. Bà cũng bị ông Musk chỉ trích công khai vì các quyết định liên quan tới việc kiểm duyệt nội dung trên nền tảng Twitter. Công ty này đã cấm vĩnh viễn tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 1/2021 sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Khi mua lại Twitter, ông Musk đã cam kết sẽ biến mạng xã hội này trở thành một nền tảng ít hạn chế hơn về tự do ngôn luận. Ông cho rằng đây “điều cần thiết cho một nền dân chủ”. Do đó, nhiều người dự báo ông Musk sẽ mở lại tài khoản cho cựu Tổng thống sau khi tiếp quản mạng xã hội này.
Trước đó, ngày 26/10, ông Musk đã đến trụ sở của Twitter ở San Francisco và gặp gỡ các kỹ sư, giám đốc quảng cáo của công ty.