Hôm 9/7, Elon Musk tuyên bố hủy thương vụ thâu tóm trị giá 44 tỷ USD. Lý do vị tỷ phú đưa ra là vì Twitter đã không cung cấp chính xác số liệu về tài khoản ảo trên nền tảng.
Cụ thể, theo tính toán từ đội ngũ của ông, con số dưới 5% tài khoản giả Twitter cung cấp là hoàn toàn sai sự thật. Phía Elon Musk nhận định số spam bot chiếm đến 20% số người dùng hàng ngày trên mạng xã hội này.
Elon Musk đúng, Twitter sai?
Tuy nhiên, không chấp nhận lời biện hộ của Musk, Twitter đã đệ đơn kiện lên tòa án Delaware để buộc ông tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận mua lại trị giá 44 tỷ USD . Họ khẳng định đã nỗ lực cung cấp những thông tin mà ông Musk yêu cầu, đồng thời thực hiện nhiều quy chuẩn đánh giá khác nhau trong quá trình tính toán spam bot.
Nhưng đây là một vấn nạn đã xuất hiện từ lâu trên mạng xã hội “chim xanh”. Thậm chí, chính Twitter cũng không chắc chắn về lượng tài khoản spam, giả mạo của mình. “Số tài khoản spam thật sự có thể sẽ cao hơn so với tính toán của chúng tôi”, Twitter chia sẻ trong báo cáo tài chính quý I/2022.
Vì thế, nhiều người cho rằng rất có thể Musk đã đúng và Twitter chính là kẻ “đuối lý” trong cuộc chiến này. Nếu phỏng đoán này là thật, công ty mạng xã hội sẽ phải đối mặt với sự phản đối đến từ các công ty quảng cáo và người dùng.
Theo Yahoo Tech, phần lớn lợi nhuận của Twitter đến từ quảng cáo. Người dùng có thể thấy các bài đăng được nhãn hàng tài trợ xuất hiện khắp các bài đăng trên mạng xã hội này. Bằng chứng là, trong quý I/2022, Twitter đã thu về 1,2 tỷ USD lợi nhuận nhưng 1,11 tỷ USD trong đó đến từ nguồn thu quảng cáo, chiếm đến 90%.
Việc có quá nhiều tài khoản ảo đồng nghĩa sẽ có ít người dùng thật sự được tiếp cận với những bài quảng cáo này. Điều đó khiến các nhãn hàng ngần ngại khi mua quảng cáo trên Twitter vì đối tượng họ hướng đến là những người dùng thật.
Mất nguồn thu quảng cáo
Spam bot không trả tiền mua sản phẩm. Điều duy nhất chúng có thể làm là đăng tải những bình luận vô hồn, giống hệt nhau dưới mỗi bài viết. Do đó, rất có thể việc Twitter khẳng định có ít hơn 5% tài khoản giả trên nền tảng chỉ là một chiêu trò nhằm trấn an các nhãn hàng, Yahoo Tech nhận định.
Nếu Musk đúng, tức là số tài khoản này chiếm đến 20% lượng người dùng hàng ngày, các nhà quảng cáo sẽ ngay lập tức rút khoản đầu tư của mình với Twitter, khiến Twitter rơi vào khủng hoảng.
Mặt khác, các bên quảng cáo không chỉ là người duy nhất chịu ảnh hưởng. Người dùng thông thường cũng sẽ phản đối nếu con số 5% của Twitter là sai sự thật. Họ muốn giao tiếp với người thật, không phải những con bot được tự động hóa.
Theo Yahoo Tech, tính toán số lượng tài khoản ảo trong 229 triệu người dùng hàng ngày là một việc không hề dễ dàng. Twitter khẳng định hãng đã kết hợp hệ thống tự động và đội ngũ của mình để đếm số bot trên nền tảng.
“Khó khăn nằm ở việc nhiều tài khoản trông rất giống tài khoản ảo nhưng thật ra họ là người thật. Trong khi đó, nhiều tài khoản spam nguy hiểm, có thể gây hại cho người dùng lại trông như thật”, CEO Parag Agrawal Twitter chia sẻ.
Đồng thời, không phải tất cả spam bot đều giống nhau. Có những bot được lập trình để đăng tải trạng thái giống hệt con người và hoàn toàn có thể qua mặt các chuyên gia trong ngành. Mặt khác, không phải tất cả tài khoản giả mạo đều xấu. Một số tài khoản ảo được dùng làm báo thức hay đưa thông tin mới nhất đến người dùng dựa trên sở thích của họ.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, trong khi phía Twitter muốn tòa nhanh chóng phân xử vụ việc, đội ngũ pháp lý của Elon Musk lại cho rằng cần thêm nhiều thời gian chuẩn bị. Các luật sư của Elon Musk cho rằng Twitter yêu cầu xét xử "nhanh đến mức phi lý".
Trên cơ sở này, họ yêu cầu phiên tòa diễn ra sớm nhất từ ngày 13/2/2023. Họ cho rằng thời hạn đó đã là "lịch trình chóng vánh của một vụ việc có quy mô khổng lồ".